Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí phương tiện vào nội đô: Nghiên cứu kỹ để bảo đảm sự đồng thuận

Tuấn Lương| 18/11/2021 10:15

(HNMO) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa có ý kiến về Đề án thu phí phương tiện vào nội đô của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội. Theo đó, việc xem xét, phê duyệt đề án vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp. Do đó, UBND thành phố giao Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng...; thận trọng đề xuất các phương án, giải pháp... Đây là việc làm cần thiết để bảo đảm sự đồng thuận trong xã hội khi thực hiện đề án trên.

Ảnh minh họa.

Hạn chế những chuyến đi không cần thiết

Ngay khi thông tin về đề án được công bố, một số ý kiến cho rằng, việc thu phí này sẽ khiến “phí chồng phí” và gia tăng chi phí vận tải, dẫn tới người dân càng thêm khó khăn.

Lý giải về đề án, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, việc thu phí phương tiện vào nội đô là một trong 37 nhiệm vụ/giải pháp đồng bộ chống ùn tắc giao thông, kết hợp các biện pháp hành chính và kinh tế nằm trong Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030" đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017.

Đến nay, sau hơn 4 năm, thành phố đã triển khai 28/37 nhiệm vụ/giải pháp. Kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư theo quy hoạch, tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng lên. Vận tải hành khách công cộng được mở rộng và ngày càng nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân là hết sức cần thiết.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về tổ chức giao thông của Thủ đô, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân chỉ rõ, ùn tắc giao thông chủ yếu do lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh, cộng với sự phân bố dân cư bất hợp lý. 

“Việc thu phí này không nhằm mục đích tăng ngân sách mà là để hạn chế những chuyến đi không cần thiết từ khu vực ngoài Vành đai 3 vào trung tâm, qua đó hạn chế ùn tắc giao thông. Mức phí được nghiên cứu đủ để tác động đến việc lựa chọn phương tiện, hành trình đi lại của người dân. Theo tính toán, nếu đề án này được thực thi sẽ giảm khoảng 20% lượng phương tiện đi vào khu vực trung tâm. Qua rà soát, loại phí này không trùng với bất cứ loại phí nào và trong các đối tượng thu phí không có xe tải vận chuyển hàng hóa nên sẽ không làm gia tăng chi phí vận tải”, ông Vũ Văn Viện giải thích.

Cần phát triển vận tải công cộng

Thực tế, trong những ngày qua, đã có nhiều ý kiến góp ý để đề án thực sự khả thi, tạo đồng thuận trong nhân dân. 

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, để thu phí phương tiện, giảm ùn tắc khu vực nội đô, tiền đề quan trọng nhất là vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, phương tiện công cộng tại Hà Nội chưa đáp ứng việc đi lại thuận tiện và đây là mấu chốt cần giải quyết.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, hiện hạ tầng giao thông của Hà Nội vẫn yếu kém, giao thông công cộng chưa phát triển. Vì vậy, thời điểm hiện tại và sắp tới, thay vì đề xuất lập trạm thu phí, Hà Nội nên tập trung phát triển, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị, để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến khi các tuyến đường sắt đô thị hoạt động đồng bộ, xe buýt chạy đúng giờ, thuận tiện cho người dân thì chúng ta hãy nghĩ tới việc hạn chế phương tiện cá nhân. 

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thăng (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) cho hay, đề án chưa tính đến việc thu phí phương tiện vào nội đô theo lượt hay theo giờ. Vì vậy, việc chưa thực hiện đề án cũng là cơ hội để hoàn chỉnh các phương án thực hiện.

Ông Phạm Dũng (phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Theo tôi, việc thu phí vào nội đô cần cân nhắc kỹ, chọn thời điểm thích hợp đồng thời phải thông tin tuyên truyền đầy đủ, rõ ràng về tính khả thi, hiệu quả cụ thể khi triển khai để người dân hiểu rõ về chủ trương này”.

Còn Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân hiện ở mức 12,6%/năm. Toàn thành phố đang có khoảng 174.000 ô tô nhưng trong khu vực nội đô, diện tích đất dành cho giao thông vẫn chỉ dao động ở mức 8%... Do khu vực nội đô luôn gặp áp lực lớn về giao thông, trong đó có sự xuất hiện của quá nhiều ô tô cá nhân thì việc thu phí vào nội đô là giải pháp nên xem xét vì nhiều nước đã áp dụng thành công.

“Tuy vậy, việc thu phí phương tiện vào nội đô cần tính toán kỹ lưỡng trong đó bảo đảm kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác để có thể giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, cách thực hiện cần bảo đảm sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Xuân Tân khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí phương tiện vào nội đô: Nghiên cứu kỹ để bảo đảm sự đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.