(HNM) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí luồng, lạch đối với luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi (TP Hồ Chí Minh) đến cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) dài hơn 60km. Dự kiến sau khi hoàn thành cải tạo và tiến hành thu phí, TP Hồ Chí Minh sẽ đi tiên phong
Mạng lưới đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển xứng tầm. |
Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3, dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc gồm hai hạng mục chính: Nâng chiều cao thông thuyền tại cầu đường sắt Bình Lợi lên 4,5m, bảo đảm cho các phương tiện thủy trọng tải lớn hơn 300 tấn lưu thông thuận tiện và cải tạo 62km luồng sông Sài Gòn đạt luồng chuẩn cấp III. Ước tính, tổng mức đầu tư khoảng 1.008 tỷ đồng, trong đó phần vốn BOT là 852 tỷ đồng phục vụ cho việc cải tạo cầu Bình Lợi và nạo vét, mở luồng đoạn sông Sài Gòn. Dự kiến cuối năm nay, dự án sẽ hoàn thành và sẽ thu phí hoàn vốn trong thời gian khoảng 23 năm, theo thông tư của Bộ Tài chính.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau khi hoàn thành dự án cải tạo luồng lạch, việc thu phí sẽ tạo ra nguồn quỹ lâu dài để phát triển, nâng cấp và mở rộng mạng lưới đường thủy nội địa thuộc tam giác kinh tế TP Hồ Chí Minh - Bình Dương và Đồng Nai, bởi kinh phí cho việc đầu tư phát triển mạng lưới đường thủy nội địa hiện rất hạn hẹp, cản trở việc mở rộng luồng lạch, kìm hãm sự phát triển của vận tải thủy. Cũng theo ông Bằng, đây cũng là thí điểm thu phí luồng, lạch đầu tiên trên cả nước, nếu thành công sẽ tạo tiền đề để các tỉnh, thành phố trong cả nước làm theo, tạo sự đồng bộ cho hạ tầng đường thủy nội địa liên vùng.
Đối tượng chịu phí sau khi dự án hoàn thành là tàu biển, các phương tiện thủy nội địa hoạt động trên luồng sông trên có trọng tải toàn phần hoặc trọng tải toàn phần quy đổi lớn hơn 300 tấn. Các trường hợp không chịu phí gồm các phương tiện sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; phương tiện của cơ quan hải quan đang làm nhiệm vụ (trừ các phương tiện sử dụng vào hoạt động kinh tế); phương tiện của các cơ quan thanh tra giao thông, cảng vụ đường thủy nội địa; phương tiện tránh bão, cấp cứu, vận chuyển phòng chống lụt bão. Mức thu 70 đồng/tấn trọng tải toàn phần/km (bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Các cảng vụ đường thủy nội địa quản lý cảng, bến trong khu vực tuyến luồng trên sẽ thu phí, và bảo đảm nguyên tắc thu đúng, thu đủ theo quy định. Cũng theo Thông tư, định kỳ 3 năm kể từ năm 2019 trở đi, căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, sẽ điều chỉnh mức thu phí, bảo đảm nguyên tắc của pháp luật về phí, lệ phí. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 cho biết, nếu dự án trên hoàn thành (dự kiến cuối năm 2015), trước hết sẽ giải quyết bài toán lưu thông thuận lợi và thông suốt cho các phương tiện vận tải thủy, bởi tại cầu sắt Bình Lợi (nối quận Bình Thạnh với Thủ Đức), các phương tiện thủy, chủ yếu sà lan và tàu thuyền nhỏ dưới 1.000 tấn khi lưu thông qua thường bị mắc kẹt. Mỗi tháng có khoảng gần 1.500 tàu có trọng tải từ 300 đến gần 1.000 tấn, lưu thông qua đây nên nếu dự án trên hoàn thành, không những nâng mức tải trọng vài nghìn tấn trở lên mà tốc độ lưu lượng phương tiện thủy cũng sẽ tăng khoảng 8%/năm trong giai đoạn đến năm 2020.
Chưa hết, khi hoàn thành, dự án sẽ giải quyết bài toán lưu thông hàng hóa từ cảng Cát Lái (Quận 2) thông thương với các tỉnh lân cận với khối lượng lớn, ước đạt tải trọng từ 3.000 đến 5.000 tấn; chia sẻ và giảm áp lực cho phương tiện vận tải đường bộ. Cụ thể, nếu trung bình một xe ô tô tải khoảng 30 tấn thì đường thủy sẽ gom được 100 đến 200 xe tải, từ đó, bài toán tiết kiệm chi phí cũng rất khả thi.
Thế nhưng, theo TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa, với mức phí dự kiến 70 đồng/tấn trọng tải toàn phần/km, thoạt nhìn vào tưởng là thấp nhưng nếu tính toán kỹ thì không hề thấp tý nào. Cụ thể, đối với tàu 1.000 tấn sẽ phải đóng mức phí 70.000 đồng/km, tàu trên 3.000 tấn thì mức phí lên tới 210.000 đồng/km. Tuyến đường thủy trên dài hơn 60km, khi đó tổng mức phí một tàu 3.000 tấn lưu thông qua tuyến phải đóng trên 12 triệu đồng. Số tiền rất cao, nếu cơ quan chức năng liên quan không cân nhắc kỹ thì có thể sẽ tác động ngược trở lại, trở thành lực cản trong chiến lược phát triển vận tải thủy nội địa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.