(HNM) - Việc xác định rõ mạng lưới đường sắt đô thị là
Người dân Thủ đô tham quan toa tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Linh Ngọc |
Gặp nhiều khó khăn
Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội kéo theo sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đã khiến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp trên địa bàn TP Hà Nội. Để giải quyết tình trạng này, TP Hà Nội xác định là cần sớm tập trung đầu tư phát triển mạng lưới vận tải công cộng khối lượng lớn như xe buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị..., từ đó tạo tiền đề quan trọng kiểm soát và từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đang triển khai xây dựng. Các tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang trong quá trình điều chỉnh dự án. Các tuyến khác vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
Trong các tuyến đang triển khai xây dựng, tuyến 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km sau nhiều lần bị chậm tiến độ, đến nay đã hoàn thành khoảng 96% và đang trong giai đoạn chạy thử liên động, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2019; tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài khoảng 12,5km (8,9km đi trên cao và 3,6km đi ngầm) hiện tiến độ đạt khoảng 45%, dự kiến đến năm 2022 bắt đầu đưa vào khai thác.
Ông Bùi Hồng Linh, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội) cho biết, dự án đường sắt đô thị là các dự án mới tại Việt Nam. Do vậy, kinh nghiệm triển khai thực hiện và quản lý dự án còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng chung cho đường sắt đô thị của Việt Nam chưa được phê duyệt mà chủ yếu áp dụng theo các tiêu chuẩn nước ngoài nên gặp không ít trở ngại về tính đồng bộ giữa các tuyến.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn để triển khai các tuyến đường sắt đô thị còn lại rất lớn trong khi việc huy động vốn còn gặp khó khăn; chưa có quy hoạch chi tiết cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị nên quỹ đất dành cho xây dựng ngày càng bị thu hẹp, lấn chiếm...
Cần cơ chế thu hút đầu tư
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang trong quá trình chạy thử. Ảnh: Huy Hùng |
Tại hội thảo "Đường sắt đô thị và phát triển khu vực" do UBND TP Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu giao thông - vận tải và du lịch Nhật Bản (JTTRI) tổ chức mới đây, thêm một lần nữa các chuyên gia giao thông nhấn mạnh về sự cấp thiết phải tập trung đầu tư phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.
Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, đang có sự mất cân đối trong quá trình phát triển đô thị hiện nay. Đó là các dự án phát triển khu đô thị mới, tòa chung cư cao tầng đều bám dọc các tuyến đường bộ mới mở mà không có nhiều dự án nhà ở gắn kết với dự án đường sắt đô thị khiến cho áp lực giao thông càng lớn.
Vì vậy, phải xác định rõ đường sắt đô thị là "xương sống" cho sự phát triển của đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và góp phần phát triển đô thị bền vững. Qua đây cho thấy cần sớm "luật hóa" phát triển mạng lưới đường sắt đô thị với quá trình phát triển chung của đô thị, hình thành các khu đô thị vệ tinh.
Giáo sư Naohisa Okamoto đến từ Nhật Bản, là chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch giao thông và phân tích chi phí - lợi ích trong phát triển hạ tầng nhấn mạnh, để thúc đẩy sự phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, trước tiên phải có quy hoạch với tầm nhìn dài hạn. Song, quan trọng hơn là Nhà nước cần ban hành các cơ chế khuyến khích, đồng thời làm rõ khả năng sinh lời để thu hút được các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển dự án.
Tại Nhật Bản, cùng với các doanh nghiệp khai thác đường sắt của chính quyền các thành phố, Chính phủ có chính sách ưu đãi cho các đơn vị khai thác đường sắt của tư nhân và chỉ các đơn vị khai thác có lợi nhuận mới có thể đầu tư đổi mới hệ thống, mạng lưới. Vì vậy, lợi nhuận chính là điều kiện quan trọng để cải tạo hệ thống đường sắt đô thị.
Đầu năm 2018, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho phép giao Tập đoàn Vingroup - CTCP và Công ty CP Tập đoàn T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đề xuất dự án) 3 trong số các đoạn tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025. Cụ thể, Vingroup đề xuất 2 đoạn tuyến: Tuyến số 5 (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4km (gồm đoạn 1: Văn Cao - đường Vành đai 4, dài 15km; đoạn 2: Vành đai 4 - Hòa Lạc, dài 23,4km) và tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) dài 5,9km. Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất đoạn tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà, dài 54km). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.