(HNM) - Được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế nên không ít doanh nghiệp (DN) đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế, bất cập trong huy động vốn, hoạt động xuất khẩu, thủ tục đất đai... nên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế.
Hệ thống vắt sữa tự động tại trang trại bò sữa Vinamilk tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Nhân |
Đây là thông tin đưa ra tại hội nghị "Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn", do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19-2.
Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), một trong những rào cản trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là do DN chưa tiếp cận được các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, phí. Đơn cử như DN xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm làm ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của DN. Việc hoàn trả thuế thu nhập DN nộp thừa cũng không được thực hiện ngay bằng tiền mặt, mà chỉ được khấu trừ dần.
Ngoài ra, DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu đất để xây dựng vùng nguyên liệu, trụ sở, khu chế biến, trong khi giá thuê đất cao ngất ngưởng… cũng là một rào cản khiến việc thu hút đầu tư rất bế tắc. Cụ thể là đến nay, có tới 50% số DN được điều tra đều kêu thiếu đất và mặt bằng gây cản trở trong việc ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ DN về đất đai cũng chưa hợp lý và khó tiếp cận. Theo điều tra của IPSARD có 67,7% DN nông nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi...
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex cho biết, Việt Nam có lợi thế xuất khẩu nông sản nhưng chủ yếu dưới dạng thô nên giá trị thấp. Trong năm 2015, giá cà phê thô xuất khẩu giảm xuống 25% so với các năm trước, nhưng cà phê tinh hầu như không giảm. Nhiều DN nước ngoài sẵn sàng ký kết hợp đồng với DN trong nước để mua cà phê tinh với giá cao gấp 10 lần so với sản phẩm thô, nhưng DN Việt Nam không thực hiện được.
Nguyên nhân là để đầu tư nhà máy sản xuất cà phê tinh phải mất 25-50 triệu USD, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước rất khó, DN trong nước hầu hết không thể tiếp cận. Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, các DN trong nước khó cạnh tranh với DN nước ngoài về giá, vì nguyên liệu đầu vào cao, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ sở sản xuất thức ăn nhỏ lẻ trong nước trà trộn thuốc kháng sinh, chất cấm làm ảnh hưởng tới sản xuất của DN lớn. Trong khi đó, hiện nhà nước chỉ hỗ trợ cho DN đi xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở nước ngoài, còn chính sách về vốn, đất đai, thuế, khoa học - công nghệ chưa thỏa đáng…
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, đến lúc phải coi DN tư nhân là chủ đạo để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài. Để DN tồn tại phải giải quyết dứt điểm những khúc mắc về vấn đề đất đai; xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu, áp dụng khoa học, công nghệ. Cùng với đó, phải rà soát lại các hệ thống văn bản hiện hành, nếu chưa thấy hợp lý phải sửa đổi, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn. Theo đó, có chính sách ưu đãi cho DN về đất để xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến nông nghiệp như: Khu phơi sấy, kho chứa; rà soát ban hành mới thay thế các văn bản quy phạm pháp luật về cho vay tín dụng để cho DN được hưởng ưu đãi tốt nhất; đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng vùng liên kết nhất là liên kết giữa DN và nông dân, giữa DN với DN, giữa DN với các siêu thị trong nước. Các ngành chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm những DN kinh doanh thực phẩm "bẩn" khi xuất khẩu để không xảy ra tình trạng "con sâu bỏ rầu nồi canh" làm ảnh hưởng tới uy tín các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Namfood Group): Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ Để tạo được lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường thế giới, các DN trong nước cần liên kết lại với nhau để cung cấp vùng nguyên liệu. Nhà nước cần phải quy hoạch rõ vùng phát triển nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng đồng loạt các DN đầu tư vào cùng một lĩnh vực, khiến cung vượt cầu. Các bộ, ngành cần phải thiết lập hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, xử lý nghiêm những DN làm ăn bất chính, ảnh hưởng chung tới sản phẩm xuất khẩu nông sản Việt Nam. Bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TH True Milk: Minh bạch thông tin và bảo đảm chất lượng Hiện nhà nước đã có cơ chế khuyến khích các DN lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng DN làm mô hình nông nghiệp công nghệ cao vẫn chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Nếu DN nông nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì sẽ sụp đổ nhanh chóng, nên cần phải có lộ trình cụ thể. Hiện thuê lại đất đai ở các nông, lâm, trường khi nhà nước giao cho nông dân quản lý rất phức tạp. Do đó, phải bảo đảm quyền lợi cho họ khi tham gia vào mô hình sản xuất nông nghiệp của mình, "biến" nông dân thành công nhân. Để có thể tồn tại trên thị trường, sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, minh bạch thông tin về sản phẩm trên bao bì nhãn mác để người tiêu dùng chấp nhận. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.