(HNM) - Ngay sau khi Tổng cục Thuế có công văn hướng dẫn quản lý thuế với hoạt động kinh doanh của Uber B.V (Hà Lan) tại Việt Nam, cơ quan thuế đã có nhiều buổi làm việc với doanh nghiệp (DN) này về việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Nhưng đó mới chỉ là một ví dụ về tình trạng "né" thuế. Kết quả thanh tra của cơ quan thuế cho thấy, không ít DN có vốn đầu tư nước ngoài đã đến Việt Nam, hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và làm ăn khá phát đạt nhưng lại không muốn thực hiện nghĩa vụ thuế. Thực tế này đã khiến các DN làm ăn chân chính, chấp hành nghiêm pháp luật thuế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi sau khi trừ thuế và các chi phí, lợi nhuận của các DN làm ăn chân chính sẽ "khiêm tốn" hơn so với các DN chây ỳ tiền thuế. Nguy hại hơn, môi trường kinh doanh sẽ thiếu đi sự minh bạch, bình đẳng - yếu tố cơ bản để nền kinh tế phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, một trong những lý do khiến các DN có vốn đầu tư nước ngoài có thể lách thuế, né thuế thậm chí trốn thuế là do chính sách thuế dù liên tục được cập nhật, sửa đổi, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Điều này đã khiến mục tiêu thu đúng, thu đủ tiền thuế vào NSNN không dễ. Bởi từ những lỗ hổng pháp lý trong chính sách thuế, các DN sẽ dễ dàng lợi dụng để né thuế, lách thuế gây thất thu cho ngân sách. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế đã, đang hội nhập sâu, rộng với thế giới, chính sách thuế của nước ta cũng sẽ phải sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đủ để quản lý thuế với các DN theo hướng công bằng, minh bạch. Quan trọng hơn cả, các chế tài xử phạt những hành vi sai phạm trong lĩnh vực thuế cần phải sửa đổi theo hướng tăng nặng, chứ không chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính như hiện nay thì mới đủ sức ngăn ngừa và răn đe những hành vi sai phạm. Thực hiện tốt điều này, không chỉ giảm tình trạng thất thu NSNN mà còn giúp môi trường kinh doanh của nước ta được cải thiện, tạo điều kiện cho cộng đồng DN cạnh tranh bình đẳng, đúng pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.