Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tuyến bảo hiểm y tế tại thành phố Hồ Chí Minh: Chuẩn bị chu đáo để phục vụ tốt hơn

Tuệ Diễm| 11/01/2021 07:59

(HNM) - Với quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế, người bệnh ở các tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh trái tuyến vẫn được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú với mức hưởng tương đương khám, chữa bệnh đúng tuyến. Điều này tạo thuận lợi cho bệnh nhân, đồng thời cũng khiến các bệnh viện phải chuẩn bị chu đáo để phục vụ tốt hơn.

Điều trị nội trú cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh.

Người bệnh vui, bệnh viện lo

Chị Trần Thị Thúy, trú tại xã Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương lên Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh để mổ u đại tràng. Chị cho biết: “Bệnh của tôi có thể điều trị tại địa phương, nhưng vì không yên tâm, tôi đã tự đến đây điều trị. Tôi nhập viện từ ngày 1-1-2021, theo quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế, tôi không thuộc diện khám, chữa bệnh trái tuyến nữa mà trở thành đúng tuyến, được bảo hiểm y tế chi trả 100%, nhờ đó giảm được rất nhiều tiền chữa trị”.

Do quy định thông tuyến bảo hiểm y tế mới được triển khai nên thời điểm này lượng bệnh nhân từ các tỉnh lân cận lên khám, nhập viện điều trị nội trú tại các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh chưa tăng đột biến. Tuy nhiên, các bệnh viện đều đang phải tính toán về việc lượng bệnh nhân sẽ tăng trong thời gian tới. Như tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh hiện mỗi ngày có tới 3.800 lượt khám bệnh. Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải khi có 1.000 bệnh nhân đang chờ lịch mổ, 1.000 bệnh nhân chờ được xạ trị.

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trước năm 2021 bệnh viện có 82% bệnh nhân nội trú có bảo hiểm y tế đúng tuyến, 15% bệnh nhân bảo hiểm y tế trái tuyến. Đến nay, 15% người bảo hiểm y tế trái tuyến trở thành đúng tuyến, khiến Quỹ Bảo hiểm y tế của bệnh viện sẽ tăng lên 10 tỷ đồng, chưa kể bệnh nhân mới sẽ tăng thêm”.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, lượng bệnh nhân tuyến tỉnh đổ về thành phố tiếp tục gia tăng khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, tăng áp lực cho nhân viên y tế. Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Khi bệnh nhi ngoại tỉnh đến khám, nếu được chỉ định điều trị nội trú sẽ được hưởng bảo hiểm y tế 100%, thay vì 40% như trước đây. Tuy nhiên điều này có thể dẫn đến "xung đột" giữa gia đình bệnh nhi và bác sĩ, vì có thể bệnh nhi chưa đến mức nhập viện điều trị, nhưng gia đình lại cho rằng bác sĩ làm khó gia đình".

Chuẩn bị kỹ các phương án

Để giải quyết nguy cơ quá tải, các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh đã lên phương án ứng phó như: Tăng cường điều trị ngoại trú, đặt lịch khám bệnh qua tổng đài online, tăng cường nhân lực và gấp rút đưa vào sử dụng các công trình mới… Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã huy động bác sĩ điều trị nội trú tham gia khám ngoại trú để giảm tình trạng quá tải; đồng thời, triển khai tổng đài đặt lịch khám online để nắm bắt lượng bệnh nhân. Sắp tới Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sẽ đi vào hoạt động, có thêm 1.000 giường bệnh”.

Còn Bệnh viện Nhi đồng 1 dự kiến tháng 6-2021 sẽ đưa vào sử dụng một tòa nhà mới xây. Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Ba khối nhà với tổng diện tích 60.000m2 sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải. Về lâu dài, bệnh viện sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện liên kết, tổ chức khám bệnh từ xa nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải”.

Tương tự, Bệnh viện Từ Dũ, hiện có gần 2.000 giường, dự đoán năm 2021, lượng bệnh nhân đến khám sẽ tăng 1,5 lần, chắc chắn tạo áp lực về cơ sở vật chất, nhân sự. Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Bệnh viện đã huy động thêm nhân sự, cố gắng chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị để tiếp nhận bệnh nhân điều trị nội trú”.

Theo thống kê của Sở Y tế thành phố, trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm, cơ sở y tế đón tiếp 40 triệu lượt bệnh nhân đến khám bệnh. Dự đoán năm 2021 bệnh nhân các tỉnh lân cận đổ về thành phố sẽ tăng do thông tuyến bảo hiểm y tế, nên Sở Y tế đã trình UBND thành phố Hồ Chí Minh kế hoạch phát triển ngành Y tế thành phố 5 năm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố phấn đấu đạt chỉ tiêu 21 bác sĩ/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, thành phố sẽ xây dựng mới một số bệnh viện ở vùng ven; thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới. Đồng thời, Sở sẽ phát triển mô hình khoa điều trị ban ngày tại một số bệnh viện tuyến cuối để vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân thành phố và ngoại tỉnh đồng thời góp phần giảm tải điều trị nội trú.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông tuyến bảo hiểm y tế tại thành phố Hồ Chí Minh: Chuẩn bị chu đáo để phục vụ tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.