(HNMO) - Chiều 9-12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và xem xét quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày các tờ trình về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh; việc đề nghị thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thuộc thành phố Thủ Đức; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày các báo cáo thẩm tra, các đại biểu đã tán thành sự cần thiết, đồng thời góp ý về một số nội dung trên.
Đáng chú ý, một số ý kiến cho rằng, việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm tới vấn đề quy hoạch, đầu tư… cho xứng tầm.
Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên làm phức tạp vấn đề. “Đây là chúng ta đang sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Hồ Chí Minh, từ 3 quận thành 1 thành phố, giảm 2 đầu mối cấp quận. Đây vẫn là đơn vị hành chính cấp quận, vì lớn nên gọi là thành phố”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.
Trước đề xuất tăng thêm nhân sự cho Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung của Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cho rằng, đây là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là cần có cơ chế đặc thù riêng đối với thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện đồng bộ ở các cơ quan, hơn nữa, việc này còn liên quan tới chính sách cải cách tiền lương nên sẽ bàn tính kỹ lưỡng sau.
Tại phiên họp, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Theo nghị quyết, việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người dân của quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người dân của quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người dân của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Thủ Đức: Sáp nhập toàn bộ 1,74km2 diện tích tự nhiên, 124 người dân của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi sáp nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người.
Thành lập phường An Khánh trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người dân của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người dân của phường Bình An. Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người.
Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Thủ Đức có 34 phường.
Nghị quyết cũng nêu rõ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc quận 3 (sau khi sắp xếp có 12 phường), quận 4 (sau khi sắp xếp có 13 phường), quận 5 (sau khi sắp xếp có 14 phường), quận 10 (sau khi sắp xếp có 14 phường), quận Phú Nhuận (sau khi sắp xếp có 13 phường)…; đồng thời giải thể một số Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân để thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.