Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông điệp yêu thương gửi phụ nữ

Thu Hiền| 06/03/2014 06:51

(HNM) - Khai thác những mối quan hệ vợ chồng trong xã hội hiện đại, chùm hài kịch

Một cảnh trong vở kịch “Nước mắt đàn ông”.



Tiến Tùng và Mộng Tươi xuất hiện trong "chương" đầu của vở kịch là bạn thân cùng xóm, cùng có hoàn cảnh khó khăn. Họ có thể chia sẻ với nhau mọi vui buồn của cuộc sống, kể cả những thất bại trong tình yêu, dần dần cả hai nhận ra tình cảm đặc biệt của mình với chính người bạn thân và tình bạn nhanh chóng chuyển thành tình yêu đẹp. Đám cưới diễn ra trong niềm hạnh phúc ngập tràn của đôi bạn trẻ, nhưng phải đến đêm tân hôn, Tươi mới phát hiện ra "bộ mặt" thật của Tùng. Hóa ra, Tùng nợ một số tiền không nhỏ và anh ta cần số tiền mừng cưới để trả nợ hơn cần Tươi. Quá thất vọng và đau khổ, Tươi bật khóc và chạy đi trong vô định, còn Tùng sung sướng đếm tiền mừng. Đến khi hiểu ra sự tình, Tùng chạy đi tìm vợ và dằn vặt bản thân.

Nếu như chương I khiến người xem oán trách người chồng trẻ, thì chương II lại trả lời cho câu hỏi vì sao đàn ông "khóc", đàn ông mong muốn những gì ở người vợ thông qua sự chia sẻ của các hội viên hội "Chim trắng mồ côi". Người thì cảm thấy mình bị "thất nghiệp lần 2" do có người vợ giỏi kiếm tiền, thương chồng ở nhà vất vả với công việc nội trợ nên thuê người giúp việc đỡ đần chồng. Người than thở vợ mình dạo này "láo", dám đặt bằng khen của chồng vào mâm cơm để người chồng mải mê công việc, bỏ quên vợ con hiểu được thế nào là giá trị của những bữa cơm gia đình. Người khác lại mong muốn có vợ thật đẹp, thật lộng lẫy, đoan trang để khi ra ngoài chồng được "nở mày nở mặt", còn lúc ở nhà phải thật đảm đang, dịu dàng, ngọt ngào, khéo léo, nhưng vợ của ông này hoàn toàn ngược lại nên ông thất vọng… "Kết nạp" hội viên như vậy, hội "Chim trắng mồ côi" sẽ ngày một đông nếu như không có thành viên đưa ra tình huống giúp cho các ông chồng hiểu được người vợ của họ, dù còn những khiếm khuyết nhưng vẫn rất quan trọng đối với gia đình. Chồng cần phải giúp đỡ, chia sẻ với vợ để hoàn thiện lẫn nhau thay vì ngồi than thở, trách móc. Đó chính là "nút" mở hóa giải những mâu thuẫn trong gia đình thời hiện đại.

Vẫn là lối dẫn chuyện dí dỏm, tự nhiên, lối diễn xuất tưng tửng, tiểu phẩm thứ 3 của "Nước mắt đàn ông" như lời nhắc nhở nhẹ nhàng người phụ nữ dù toàn tâm, toàn ý chăm sóc, lo lắng cho chồng con, đảm đang tháo vát đến mức có thể "khoan bê tông, thông bể phốt" để chồng không vướng bận việc nhà, yên tâm công tác cũng đừng bao giờ quên chăm bản thân. Khi người phụ nữ quên cả bản thân thì chính chồng con họ cũng không thể nhận ra sự hy sinh, vất vả của họ, coi sự chăm sóc của họ như điều đương nhiên. Chùm hài kịch "Nước mắt đàn ông" khép lại bằng câu chuyện buồn về một gia đình tan vỡ, mẹ dắt con gái đi vào một lối rẽ, bố dắt con trai lớn theo một con đường. Trên đường đi, hai bố con gặp Tùng - Tươi vừa tìm lại được nhau, người bố buồn bã nói con trai "cuộc đời này có rất nhiều lối rẽ, có lối đi về hạnh phúc, có lối đi về khổ đau, tất cả đều do mình lựa chọn" để nhắc nhở con không đi vào "vết xe đổ" của bố mẹ.

Sống trên đời, ai cũng khát khao hạnh phúc. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa mà ở chính cách nghĩ, cách sống của mỗi con người. Hạnh phúc sẽ được nhân lên khi những ông chồng gia trưởng biết chia sẻ, tôn trọng vợ, khi người phụ nữ biết yêu thương, trân trọng bản thân mình. Thông điệp ấy đã gắn kết những câu chuyện tưởng chừng như rời rạc thành chùm hài kịch "Nước mắt đàn ông" hấp dẫn khán giả dịp ngày 8-3 năm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp yêu thương gửi phụ nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.