Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông ''điểm nghẽn'', phát triển hợp tác xã

Thế Văn| 18/07/2022 06:43

(HNM) - Sở dĩ nhiều nông dân còn thờ ơ, chưa tha thiết tham gia hợp tác xã là vì hiệu quả hoạt động chưa tốt. Nếu các hợp tác xã mang lại lợi ích thiết thực hơn, nâng cao phúc lợi về kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn thì người dân sẽ hào hứng tham gia… Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo tham vấn về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đối với khu vực hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được tổ chức vào ngày 12-7 vừa qua.

Từ thực tế vận động, phát triển đặc thù của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, có thể nhận định: Hợp tác xã nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng - là nơi người nông dân có thể hợp vốn, hợp sức với nhau và cũng là “cánh tay nối dài” quan hệ đa chiều giữa nông dân với doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình tổ chức và tổ chức lại sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế hợp tác xã chính là nhân tố quan trọng, tác động tích cực vào phát triển kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm, bảo đảm an sinh cho cộng đồng. 

Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã nỗ lực tìm hướng đi mới thích ứng với những đòi hỏi từ thực tế phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều “điểm nghẽn” cần được khơi thông để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 6-2022, cả nước có 18.760 hợp tác xã nông nghiệp nhưng phần lớn có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, quá trình tích lũy vốn chậm… Đáng nói hơn là mới có khoảng 10% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tỷ lệ hợp tác xã có hoạt động sơ chế, chế biến cũng rất thấp. Do vậy, nhiều sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp chưa tìm được “chỗ đứng” trên thị trường, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng...

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó có việc Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa tạo được động lực khuyến khích người nông dân tham gia hợp tác xã, chưa tạo thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường… Giới chuyên gia cũng đã chỉ ra những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp, như: Thành viên và quy mô nhỏ lẻ, manh mún; khung pháp lý thiếu đồng bộ; cơ chế chính sách về đất đai chưa tạo được động lực để hợp tác xã phát triển…

Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ cần làm để phát triển các hợp tác xã nông nghiệp là sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 theo hướng tạo động lực, khuyến khích người nông dân tham gia các hợp tác xã; phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã nông nghiệp; kết nối, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp kinh doanh, tham gia thị trường; bảo đảm sự bình đẳng của các hợp tác xã trong cạnh tranh cũng như trong việc tiếp cận những nguồn lực hỗ trợ…

Trước mắt, các cơ quan chức năng, các địa phương cần cụ thể hóa các nhóm chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp, khắc phục tình trạng có chính sách nhưng thiếu nguồn lực thực hiện; chú trọng tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng nhà kho, khu sơ chế, bảo quản sản phẩm… Mặt khác, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận với những nguồn vốn hỗ trợ.

Đặc biệt, để khơi thông các “điểm nghẽn”, thích ứng với bối cảnh nhiều biến động, bản thân các hợp tác xã nông nghiệp cần chủ động tổ chức lại sản xuất, kết nối với thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho các thành viên; đồng thời, tạo chuyển động mới từ việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp thông minh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông ''điểm nghẽn'', phát triển hợp tác xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.