Sa mạc khô hạn nhất thế giới ngập lụt trong khi một số khu rừng ẩm ướt nhất hành tinh trở nên khô hanh và bắt lửa.
Đó là hiện tượng vô cùng bất thường do tình trạng thời tiết cực đoan gây ra cho Chile trong mùa hè năm nay.
Lượng nước mưa tăng vọt trên dãy núi Andes đã tràn xuống sa mạc Atacama bên dưới, cuốn trôi nhà và đường sá. Trong khi đó ở miền Nam, nhiệt độ tăng cao khiến cháy rừng xảy ra ở một vài khu vực, buộc chính quyền tuyên bố khu vực thảm họa.
Tổng thống Chile Sebastián Piñera tuyên bố “khu vực khẩn cấp” ở phía Bắc Chile vào ngày 8-2 sau khi mưa lớn trút xuống tỉnh El Loa. Văn phòng Khẩn cấp quốc gia cho biết, lũ lụt đã khiến 6 người thiệt mạng và phá hủy gần 100 ngôi nhà. Báo động đỏ về tình trạng lũ quét đã được ban hành tại các tỉnh khác như Arica, Parinacota và Tarapaca.
Những thảm họa này là một phần của hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan tại quốc gia trải dài 4.270 km dọc bờ biển phía tây nam Nam Mỹ. Trong khi tại thủ đô Santiago chưa đạt được lượng nước mưa trung bình hằng năm trong cả một thập kỷ thì nhiệt độ tại đây đã phá vỡ kỷ lục, tăng 1 độ C so với tháng trước.
“Hiện trạng này buộc các nhà chức trách Chile cần phải suy nghĩ về phương án thích ứng với biến đổi khí hậu, vì với khí hậu biệt lập như vậy khiến nó dễ bị hạn hán hơn”, ông Park Park Williams - nhà nghiên cứu thủy khí học tại Đại học Columbia ở New York cho biết.
Trong hàng chục năm qua, nhiệt độ tăng cùng lượng mưa giảm ở miền Trung Chile khiến quốc gia này dễ gặp cháy rừng hơn. Tại miền Nam, hơn 600 vụ cháy rừng hoành hành trên 9.500 ha đất. Hơn 37.000 người ở thị trấn Calama bị bỏ mặc không có nước máy trong 4 ngày. Hơn 100 ngôi nhà bị thiệt hại lớn tại khu du lịch San Pedro de Atacama gần đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.