(HNM) - Giới doanh nhân toàn cầu dường như có thể thở phào nhẹ nhõm khi mối quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã có dấu hiệu
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong buổi gặp gỡ tại Nhà Trắng. |
Thành quả từ nỗ lực đàm phán trong tuần qua đã phần nào hóa giải những bất đồng đang tồn tại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Điều này cũng khẳng định những dự đoán trước đó của nhiều nhà phân tích về viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là điều khó có thể xảy ra, bất chấp thực tế giữa hai siêu cường liên tục xuất hiện mâu thuẫn. Lý do chính là cả hai cỗ máy kinh tế này đều phụ thuộc vào nhau và mỗi bên đều rất ý thức được những bất lợi khi chiến tranh thương mại nổ ra. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ, ngược lại Washington là thị trường mà Bắc Kinh đang xuất siêu. Nhiều công ty lớn của Mỹ cũng đang tận dụng tốt nguồn nhân lực tại Trung Quốc, trong khi hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư của Trung Quốc đang tìm đường vào xứ Cờ hoa.
Vì vậy, trước mắt, hai bên sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang bằng cách tạm gác lại chuyện thuế quan, đồng thời nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại một cách chủ động. Theo tuyên bố chung mà hai nước mới đạt được, Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại hiện đã lên tới hơn 370 tỷ USD. Trước bước ngoặt mới, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn cấp cao Trung Quốc tới Washington, nêu rõ các cuộc đàm phán có kết quả tích cực, thực chất, mang tính xây dựng và hữu ích.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tiết lộ, hai nước sẽ hợp tác tiến tới một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn. Ông S.Mnuchin khẳng định, hai bên đã đạt nhất trí về một khuôn khổ giải quyết bất đồng thương mại với các mục tiêu cụ thể, song sẽ không công khai chi tiết. Được biết, trong thời gian tới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng sẽ đến Trung Quốc, với mục tiêu nghiên cứu kỹ một loạt lĩnh vực hợp tác, trong đó có năng lượng, khí tự nhiên hóa lỏng, nông nghiệp và chế tạo. Một số dự báo cũng cho rằng, xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh, từ 35% đến 40% và mua bán năng lượng sẽ tăng gấp đôi trong vòng từ 3 đến 5 năm tới.
Tuy vậy, những cam kết đạt được vẫn còn một số “kẽ hở”, nổi bật là 3 vấn đề. Trước hết, tuyên bố chung chưa đề cập tới khả năng Mỹ rút lại kế hoạch áp đặt thuế lên số hàng hóa trị giá hàng tỷ USD, cũng như xem xét dỡ bỏ thuế áp lên mặt hàng thép, nhôm của Trung Quốc. Thứ hai, phía Mỹ cũng chưa có kết luận cụ thể về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump có trì hoãn kế hoạch áp mức thuế trị giá từ 50 tỷ tới 150 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc hay không. Động thái này của Washington được cho là nhằm gây áp lực để Bắc Kinh ngừng khai thác bất hợp pháp tài sản trí tuệ của Mỹ. Cuối cùng, việc Washington có tiếp tục hướng tới hạn chế đầu tư của Trung Quốc, đồng thời siết chặt kiểm soát xuất khẩu một số hàng hóa liên quan tới ứng dụng quân sự hoặc công nghệ tiên tiến nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay không vẫn hết sức mơ hồ.
Những thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giảm nguy cơ của một cuộc chiến thương mại là tín hiệu tích cực cho kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đó mới chỉ là tiền đề khả quan. Để có những bước đi tích cực và cụ thể hơn, hai bên vẫn cần tiếp tục có những động thái mang tính xây dựng, hướng tới giải pháp hai chiều ổn định và bền vững vì lợi ích chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.