Sách

Thơ thiếu nhi vẫn hút độc giả

Hạ Yến 25/02/2024 - 20:51

Cách đây không lâu, mạng xã hội lại “dậy sóng” với đủ lời khen chê về một bài thơ dành cho thiếu nhi chọn đăng trong sách giáo khoa lớp 6 hiện hành.

Rất nhiều bài viết, rất nhiều lập luận, và nhiều dẫn chứng về thơ thiếu nhi đã được đăng tải... cho thấy một điều, thơ thiếu nhi vẫn luôn nhận được sự quan tâm từ độc giả.

sach-1.jpg
Tập thơ thiếu nhi “Phù thủy sợ ma” của tác giả Thụy Anh được in khổ to, minh họa đẹp, màu sắc bắt mắt.

Đối với trẻ em, những bài thơ có vần có điệu, dung lượng chữ vừa phải luôn khiến trẻ dễ tiếp nhận, dễ nhớ và dễ thuộc. Những năm qua, các tập thơ thiếu nhi nổi tiếng quen thuộc như "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa, "Ai dậy sớm" của Võ Quảng, "Những bài thơ nho nhỏ" của Phạm Hổ, "Bầu trời trong quả trứng" của Xuân Quỳnh, “Bài ca trái đất” của Định Hải... đã được tái bản nhiều lần. Điều đó cho thấy sự quan tâm không hề nhỏ của độc giả đối với mảng thơ thiếu nhi, đặc biệt là các tác phẩm hay, nổi tiếng. Song, giữa thị trường xuất bản phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, thơ thiếu nhi vẫn thiếu vắng so với nhiều dòng sách, mảng đề tài khác, dù rằng đã có nhiều khởi sắc.

Có thể “điểm danh” những “vệt sáng” thơ thiếu nhi được độc giả yêu thích những năm vừa qua như “Con nít con nôi” của hai tác giả Hoa Cúc và Mel Mel, “Ra vườn nhặt nắng” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, “Biển là trẻ con” và “Ngày xưa của con” của Huỳnh Mai Liên, “Xin chào những buổi sáng” và “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” của Nguyễn Phong Việt, “Gõ cửa nhà trời” của Bảo Ngọc, “Giấc mơ buổi sáng” của Nguyễn Lãm Thắng, “Chào thế giới bây giờ con đã đến” của Lê Minh Quốc, “Phù thủy sợ ma” của Thụy Anh, “Những ngọn đèn thơm” của Hồ Huy Sơn...

Trong đó, bài thơ “Bắt nạt” thuộc tập thơ “Ra vườn nhặt nắng” của Nguyễn Thế Hoàng Linh là tác phẩm từng gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người đọc cho rằng bài thơ ngô nghê, lủng củng, nhưng cũng không ít ý kiến lại cho rằng bài thơ gần gũi, dí dỏm, sáng tạo, có chủ đề hợp với hơi thở thời đại, góc nhìn dễ tiếp cận với học sinh.

Thực tế, đã có rất nhiều bài thơ thiếu nhi hay về quê hương, đất nước, gia đình, thiên nhiên, loài vật, tình bạn, tình yêu... song không ít những bài thơ trong đó đã khó có thể cảm nhận với trẻ em ngày nay, đặc biệt trẻ em ở đô thị. Do đó, cũng cần lắm những bài thơ gần gũi với đời sống trẻ em đương thời, như “Một hôm ông cho bé/ Đi xe bus màu vàng/ Điều hòa phà hơi mát/ Trong cái nắng chang chang/ Có một anh đứng dậy/ Nhường chỗ cho hai người/ Ông cảm ơn anh ấy/ Còn anh ấy chỉ cười...".

Theo nhà thơ Nguyễn Văn Thắng, “sáng tác cho thiếu nhi rất khó, bởi không phải cứ “cố trẻ hóa” là viết ra được. Tôi tâm niệm hãy luôn sống hồn nhiên, trong trẻo với thế giới tuổi thơ thì bao nhiêu sự vật, hiện tượng xung quanh các em đều có thể thành thơ cả”.

Đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn, nhiều tác giả và đơn vị xuất bản đang ngày một quan tâm hơn đến lĩnh vực thơ thiếu nhi. NXB Kim Đồng, đơn vị tiên phong trong mảng sách cho thiếu nhi vẫn đều đặn ra mắt bạn đọc những tác giả - tác phẩm mới với “Con là ban mai” của Nguyễn Hải Lý, “Góp nắng cho cây”, của Lê Ký Thương, "Sài Gòn sót mấy con ve" của Trung Dũng KQĐ, “Tuổi thơ màu giấy kính” của Lê Nguyên Khôi, “Nhà mình vui nhất” của Huỳnh Mai Liên, “Gửi chú bé hay khóc nhè” của Nguyễn Văn Thắng, “Chiếc bánh trăng” của Lâm Ngọc Quỳnh Anh, “Tặng bé bốn mùa” của Lê Thị Liên Hương, truyện thơ “Chó Đốm và Mèo Hoa” của Minh Ngọc...

Các đơn vị như NXB Trẻ, NXB Phụ nữ Việt Nam, Nhã Nam, Đông A, Linh Lan Books, Crabit Kidbooks... cũng giới thiệu đến độc giả các tập thơ thiếu nhi như “Nếu không có trẻ con” của Thục Linh, “Cây cầu lấp lánh” của Mộc An, “Chuyện bốn mùa trời đất” và “Bao giờ mặt trời lên?” của Mai Quyên, “Bé tập làm người lớn” và “Khu vườn màu xanh” của Châu An Khôi, “Bé gọi trăng về” và “Vũ điệu vòng dây” của Bùi Minh Huế, “Ấm êm ngộ nghĩnh” và “Tuổi thơ trong trẻo” của Phạm Anh Xuân, “Vương quốc nhỏ bí mật” của Lã Thanh Hà, bộ “Thơ hay cho bé học nói” của Đoàn Văn Mật - Lữ Mai...

Các Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng Dế mèn hay các cuộc vận động sáng tác đã từng vinh danh một số tập thơ thiếu nhi như “Chào thế giới bây giờ con đã đến” của nhà thơ Lê Minh Quốc, “Dắt mẹ đi chơi” của tác giả Mai Quyên, “Ở đây & Bây giờ” của Đặng Huy Giang... cho thấy sự quan tâm đối với mảng văn học thiếu nhi nói chung và thơ ca thiếu nhi nói riêng. Song, bên cạnh chất lượng nội dung của tác phẩm, dường như khâu truyền thông cho thơ thiếu nhi vẫn chưa thực sự được các đơn vị xuất bản và tác giả chú trọng. Có những tác phẩm xuất bản đã lâu nhưng chỉ thực sự được nhiều độc giả biết đến sau khi được “xướng tên” ở các giải thưởng.

Trong thời đại của internet kết nối và mạng xã hội có tính tương tác đa chiều, nếu chính tác giả và nhà xuất bản có “bí kíp” truyền thông sẽ đưa tác phẩm đến với độc giả nhanh hơn, sâu rộng hơn, đồng thời có thể tiếp nhận những chia sẻ, góp ý cho các tác phẩm của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thơ thiếu nhi vẫn hút độc giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.