Sách

“Totto-chan bên cửa sổ” xuất bản phần hai sau hơn 40 năm

Thụy Du 08/07/2025 - 17:31

“Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo” là phần hai của cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng được viết bởi tác giả Kuroyanagi Tetsuko, đã bán hết 3.000 bản và được tái bản chỉ sau 3 ngày chính thức phát hành tại Việt Nam.

“Totto-chan bên cửa sổ” là cuốn sách thiếu nhi được yêu mến trên khắp thế giới, là sách gối đầu giường của trẻ em nhiều thế hệ, của các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục và bất kỳ ai quan tâm đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Cuốn tự truyện vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, trở thành hiện tượng xuất bản toàn cầu với hơn 25 triệu bản tới tay bạn đọc.

totto-chan-ben-cua-so-nhung-chuyen-tiep-theo-3-.jpeg
Cuốn "Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo" là phần hai của cuốn tự truyện thiếu nhi nổi tiếng thế giới. Ảnh: Nhã Nam

42 năm sau, tác giả Kuroyanagi Tetsuko (lúc này đã 90 tuổi) đem đến độc giả cuốn hậu truyện mang tên “Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo”. Cuốn sách vừa được Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cùng Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, là sự bổ sung tròn trịa, tiếp nối câu chuyện bỏ ngỏ ở phần trước.

Nếu “Totto-chan bên cửa sổ” tập trung vào hình ảnh một nền giáo dục lý tưởng tại ngôi trường Tomoe – nơi Totto-chan được sống đúng với bản chất hiếu động, ngây thơ của mình, thì phần tiếp theo này lại là hành trình trưởng thành đầy thử thách của Totto-chan trước những thay đổi lớn lao của thời cuộc, nơi chiến tranh nổ ra, cái chết hiện diện và ngôi trường Tomoe chỉ còn là ký ức.

Cuốn sách gồm 4 phần và được kể theo trình tự thời gian: “Vừa rét, vừa buồn ngủ, vừa đói”, “Totto sơ tán”, “Vẹn tròn sứ mệnh đơm bông”, “Totto trở thành diễn viên”. Phần hậu truyện này là minh chứng cho sức sống lâu dài của tình thương và giáo dục nhân văn.

totto-chan-ben-cua-so-phan-1-2-3-.jpeg
Hai cuốn sách về Totto-chan của tác giả Kuroyanagi Tetsuko xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Nam

Những năm tháng cuối cùng tuổi thơ phải trải qua trong chiến tranh được tác giả Kuroyanagi kể lại như một ký ức buồn vui đan xen – không hề bi kịch hóa, nhưng cũng không giấu nỗi khắc nghiệt. Dù vẫn giữ được thói quen quan sát từ tính tò mò đặc trưng, nhưng giọng kể của cô bé dần trưởng thành hơn, từng trải hơn. Đó là sự tò mò và hồn nhiên của một đứa trẻ đã biết phân biệt đói và no, mất mát và chấp nhận, nhưng vẫn còn đó sự ham sống và lạc quan. Totto-chan từ một cô bé ngây thơ, trải qua chia ly và nghịch cảnh, nay đã biết cảm thông, sẻ chia và không ngừng học hỏi để thích nghi với những biến động của thời đại.

Điểm nhấn nổi bật của tác phẩm là sự tiếp nối tinh thần giáo dục tôn trọng cá tính và khuyến khích sự sáng tạo. Sau Tomoe, Totto-chan không tìm thấy một ngôi trường mới tương tự, nhưng cô tìm thấy sân khấu, đài phát thanh và cuối cùng là truyền hình. Nhờ những năm tháng được tin tưởng và khơi gợi trí tò mò ở Tomoe, cô có nền tảng để bước vào thế giới nghệ thuật với tất cả đam mê và bản lĩnh.

Totto-chan vẫn giữ vững niềm tin vào bản thân, vẫn luôn tò mò tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, dám ước mơ và hành động vì những điều tốt đẹp, qua đó mở rộng thông điệp của phần một: Giáo dục không dừng lại trong lớp học mà tiếp tục sống trong từng lựa chọn của một con người trưởng thành.

Bên cạnh đó, “Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo” cũng là bức tranh sinh động về xã hội Nhật Bản trong giai đoạn chuyển mình, từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt đến thời kỳ tái thiết đầy hy vọng qua lăng kính của Totto-chan.

Cuốn sách vẫn được họa sĩ Iwasaki Chihiro minh họa với những bức hình đáng yêu, sống động. Ngoài ra, sách còn có những bức ảnh quý giá chụp Totto-chan từ nhỏ tới lớn, giúp độc giả dễ dàng dõi theo từng câu chuyện.

Ngay khi vừa có tin phát hành tại Việt Nam, “Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo” đã tạo nên một hiện tượng xuất bản. Chỉ trong vòng 3 ngày đầu phát hành, 3.000 bản in đầu tiên đã được bán hết sạch trên toàn quốc. Sách đã được tái bản ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu của độc giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Totto-chan bên cửa sổ” xuất bản phần hai sau hơn 40 năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.