(HNMO) – Ngày 27/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật. Những nội dung chính được nhiều đại biểu cho ý kiến là phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự án luật; thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản pháp luật...
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc - Thái Bình, đạo luật ban hành luật Luật ban hành văn bản pháp luật có nhiệm vụ tạo khung, khổ, thiết lập cơ chế vận hành cho toàn bộ hệ thống lập pháp và lập quy của đất nước. Vì vậy, để có thể nâng cao được chất lượng văn bản pháp luật trong thời gian tới, rất cần những giải pháp đột phá trong dự thảo luật này.
Luật hiện hành không có giai đoạn định hình chính sách cho mỗi văn bản pháp luật, khiến cho các dự thảo không có định hướng chính sách rõ ràng. Việc thiếu định hướng của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản ngay từ khi xem xét, đề xuất ý tưởng khiến cho người soạn thảo giống như anh "đẽo cày giữa đường", không biết nên kiên định đường hướng nào. Dự thảo luật mới đã chú ý đến việc này thông qua việc đưa nội dung chính sách thành một nội dung xuyên suốt của quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Đó là một tiến bộ vượt bậc. Nhưng vấn đề là không có một chỗ nào trong dự thảo định nghĩa chính sách là gì, chính sách bao gồm những nội dung nào, căn cứ vào đâu để đánh giá chính sách...
“Tôi thấy dường như ở một số vấn đề quan trọng chúng ta vẫn chưa chạm được vào bản chất của vấn đề và chưa có được những biện pháp xử lý thỏa đáng những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành”, đại biểu Lộc nói.
Các đại biểu Bùi Văn Xuyền - Thái Bình, Bùi Ngọc Chương - Cà Mau cũng đánh giá, quy trình xây dựng chính sách trong quy trình xây dựng văn bản là một nội dung mới của dự thảo luật lần này. Việc tách quá trình xây dựng chính sách với quá trình soạn thảo văn bản sẽ giảm thiểu việc Quốc hội phải mất thời gian thảo luận tại tổ và hội trường để sửa kỹ thuật văn bản như hiện nay, mà vẫn nâng cao được chất lượng, tính khả thi của văn bản.
Tuy nhiên, thể hiện trong dự thảo luật chưa thực sự rõ ràng, mạnh lạc giữa chương trình xây dựng chính sách với quy trình xây dựng luật. Khái niệm và nội hàm về chính sách trong xây dựng luật cũng chưa được đề cập thỏa đáng, còn chung chung. Đại biểu Xuyền đề nghị, quy trình xây dựng chính sách phải được tách riêng để Quốc hội thảo luận cho ý kiến và thông qua, nếu lồng ghép đan xen như dự thảo thì chưa thực sự đổi mới, chưa tạo được đột phá trong công tác xây dựng luật của dự thảo luật.
Theo đại biểu Ngô Đức Mạnh - Bình Thuận, chính sách chỉ được coi là hoàn thiện nếu được thực hiện từ giai đoạn trình kiến nghị luật, hình thành ý tưởng, thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội cho đến khi dự án luật thông qua. Cho nên, để làm tốt, cần phải phát huy vai trò của Hội đồng thẩm định nhất là của Bộ Tư pháp và có cơ chế phối hợp sửa Hội đồng thẩm định với Hội đồng chính sách pháp luật quốc gia.
Tán thành việc tách quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng cho rằng, thực tế vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách đã dẫn tới một số hậu quả dễ thấy là văn bản soạn thảo phải thực hiện nhiều lần, vì chính sách chỉ được làm sáng tỏ dần trong quá trình soạn thảo và tranh luận nên tốn kém mà hiệu quả lại không cao; nhiều quy định không rõ hoặc quá chung chung, giao cho Chính phủ quy định khiến việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm; một số văn bản pháp luật dàn trải và ôm đồm… Vì vậy, việc quy định cụ thể về quy trình xây dựng chính sách trong quy trình lập pháp là rất quan trọng, việc xây dựng chính sách cần phải tiến hành trước khi soạn thảo văn bản.
“Tôi thống nhất với Ủy ban Pháp luật là đề nghị dự thảo quy định theo hướng Chính phủ có trách nhiệm phân tích quyết định chính sách và thể chế thành các quy định trong các dự thảo văn bản pháp luật và dự kiến chương trình luật, pháp lệnh trình Quốc hội. Vì Chính phủ cùng với các bộ, ngành là cơ quan hành pháp điều hành mọi công việc hàng ngày của đất nước, do vậy thường nhận biết sớm các vấn đề phát sinh trong cuộc sống”, đại biểu Thúy nói.
Để tổ chức triển khai công việc liên quan đến xây dựng chính sách, theo đại biểu Thúy, khi có vấn đề phát sinh trong cuộc sống, Chính phủ sẽ thành lập một Ủy ban đặc biệt để xem xét và đưa ra các kiến nghị cần thiết. Ủy ban này gồm các vị đầu ngành, lĩnh vực và các chuyên gia hàng đầu có liên quan. Nếu thấy cần thiết phải ban hành luật, Chính phủ sẽ soạn thảo và trình Quốc hội. Hoặc công việc này do một bộ chuyên môn tiến hành. Bất luận cách nào thì chính sách đưa ra đều phải được Chính phủ thảo luận và quyết định trước khi soạn thảo. Công việc soạn thảo được giao cho cơ quan chuyên môn soạn thảo văn bản phấp luật.
Theo đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh, Luật ban hành văn bản pháp luật phải có 3 chương rõ ràng: Một chương nói về thẩm lập pháp, một chương nói về lập quy của Chính phủ và một chương về lập quy của chính quyền địa phương. Ba nội dung này có thẩm quyền khác nhau, có những điểm chung về trình tự ban hành, nhưng có điểm riêng vì nó tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức của tổ chức đó.
“Tôi đề nghị chúng ta chấm dứt tình trạng làm luật nhưng làm luận, bắt đầu dẫn nhập rồi tới thân bài, kết luận. Thưa rằng, luật là xác định, giả định, chế định, chế tài. Chúng ta cũng nên chấm dứt tình trạng luật nào cũng quy định nguyên tắc chung, chỉ có Bộ luật mới quy định nguyên tắc chung, còn luật là chế định không quy định nguyên tắc chung nữa”, đại biểu Lịch nói.
Đại biểu Lịch cũng đề nghị, Quốc hội nên ban hành hai nghị quyết: Một nghị quyết có cưỡng chế như luật và loại nghị quyết mang tính khuyến nghị với Chính phủ thực thi.
Ngoài dự luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hôm nay, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.