Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra bất cập về chi phí phát hành cao khiến giá sách giáo khoa chưa hợp lý.
Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đơn vị liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa.
“Căn bệnh” nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để này tiếp tục được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai thi hành luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Tính đến ngày 23-8, còn 11/50 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư chưa được ban hành (chiếm đến khoảng 22%). Một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến một năm rưỡi so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực.
Dẫn một số trường hợp cụ thể, người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh, người dân và doanh nghiệp vẫn còn ngóng văn bản hướng dẫn. Cá biệt, một số trường hợp Nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm, làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định.
Thực tế, một số văn bản được ban hành chưa bảo đảm về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển. Một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng chậm được xử lý. Việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản đã phát hiện nhưng xử lý còn chưa kịp thời, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.
Những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, song trước hết là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền là phải đặt kỷ cương, kỷ luật lập pháp lên trên hết. Nếu chỉ kêu gọi, hay phê bình chung chung thì việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn sẽ tiếp tục tái diễn. Muốn vậy, phải có chế tài đủ mạnh, phải quy trách nhiệm đến cùng đối với từng cá nhân, tổ chức; cần cụ thể hóa và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết.
Đồng thời, phân cấp, phân quyền hợp lý cần đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Đặc biệt, cần chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Có như vậy, pháp luật mới thực sự đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.