Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu quy hoạch và khung pháp lý

Nguyễn Đức| 01/08/2012 06:51

(HNM) - Quy hoạch, phát triển không gian ngầm có vai trò quan trọng đối với một đô thị phát triển. Ở TP Hồ Chí Minh, không gian ngầm cũng được quan tâm từ lâu, nhưng công tác quản lý, nghiên cứu, phát triển vẫn hạn chế.


Xu thế phát triển đô thị

Giám đốc điều hành Hội Không gian ngầm và hầm quốc tế, ông Olivier Vion cho rằng, quy hoạch, phát triển không gian ngầm là xu thế của các đô thị lớn trên thế giới. Và trên thực tế, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh phát triển không gian ngầm, đặc biệt là dành cho giao thông, khi tàu điện ngầm, đường hầm vượt sông ngày càng nhiều. Thậm chí nhiều nơi còn "hạ thổ" cả đường phố, nhà hát, bể bơi, sân vận động… Một số nghiên cứu chỉ rõ, khi GDP đầu người đạt 500 USD thì các quốc gia đã có điều kiện phát triển không gian ngầm, khi đạt 1.000 USD bắt đầu giai đoạn quy hoạch, phát triển và tới 3.000 USD thì điều kiện phát triển không gian ngầm đã chín muồi.


Hầm Thủ Thiêm thông xe cuối năm 2011 và được xem là công trình hầm ngầm tiêu biểu của cả nước.

Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, không gian ngầm rất cần thiết cho dự án cải tạo các khu đô thị cũ cần bảo tồn cảnh quan và các di sản văn hóa, lịch sử. Một dự án thành công là mở rộng Bảo tàng Louvre (Paris) giúp tăng gấp đôi diện tích trưng bày, lại có chỗ cho thư viện, nhà ăn, nơi đỗ xe… Năm 1960, TP Montreal (Canada) bắt đầu xây dựng "thành phố dưới thành phố" có khí hậu "mùa xuân vĩnh cửu". Đến nay, ngoài hệ thống giao thông, TP này còn có hơn 1.600 cửa hàng, 200 khách sạn, 40 ngân hàng và khoảng 30 nhà hát, rạp chiếu phim, bể bơi nằm dưới lòng đất. Tại Châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc cũng là những quốc gia sớm phát triển và khai thác nhiều không gian ngầm.

Nước ta hiện có 12 đô thị lớn, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang trở thành đô thị trung tâm của vùng đô thị. Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc đẩy mạnh đô thị hóa có thể chia thành 3 loại gồm: đô thị hóa gắn với mở rộng diện tích, đô thị hóa gắn với tăng mật độ dân cư trên diện tích hiện có và đô thị hóa kết hợp cả hai hình thức trên. Đô thị hóa gắn với tăng mật độ dân cư được xem là "tăng trưởng thông minh" khuyến khích áp dụng chỉ tiêu mật độ đô thị tương đối cao, sử dụng hỗn hợp đất đai với nhiều chức năng. Nếu "nén" đô thị hiệu quả sẽ giảm bớt đầu tư công vào những vùng không thực sự hiệu quả.

Làm gì khi quản lý yếu,thiếu khung pháp lý?

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, TP hiện có hơn 4.430km đường ống cấp nước, trên 1.142km cống thoát nước, hơn 825km đường điện chuyển tải, 15.175km đường dây điện phân phối. Dù đã cố gắng, nhưng TP đang phải "đánh vật" với việc hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm mỹ quan đô thị. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP cho biết, nhiều tài liệu ghi nhận vị trí, quy mô công trình hạ ngầm ở TP đã bị thất lạc, rất khó cho công tác quản lý.

Với những công trình, dự án ngầm đang và sẽ xây dựng, việc triển khai cũng đang gặp rất nhiều vướng mắc. Dự kiến, cuối tháng 8-2012, TP sẽ khởi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, nhưng đường đi nổi sẽ làm trước, ngầm làm sau. Các dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, sân khấu ca nhạc Trống Đồng, Hoa Lư… bao năm rồi vẫn chưa thể khởi công. TP cũng đặt ra mục tiêu ngầm hóa lưới điện khu vực trung tâm vào năm 2015, nhưng nhiều khả năng cũng sẽ không thể hoàn thành đúng tiến độ.

Nguyên nhân lớn dẫn tới việc ngầm hóa là thiếu quy hoạch và cơ sở pháp lý cần thiết. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, phát triển không gian ngầm đang giữ vai trò quan trọng đối với các đô thị không còn nhiều quỹ đất, phức tạp trong GPMB. Thế nhưng, các công trình ngầm lại gặp không ít khó khăn trong triển khai. Ngay việc xây dựng giao thông nổi, đào tới đâu cũng động tới hạ tầng điện, nước, dù đã có khảo sát.

Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, không gian ngầm vẫn là chủ đề mới mẻ ở nước ta, do vậy mỗi khi đụng đến công trình, dự án, các chuyên gia quy hoạch, chính quyền lại gặp nhiều lúng túng. Các khung pháp lý liên quan hiện nay không đề cập hoặc chưa đề cập rõ ràng. Việc chưa có đầy đủ hệ thống khung pháp lý khiến cho công trình ngầm hiện nay được quản lý riêng theo từng ngành, không có sự phối hợp, thiếu dữ liệu chia sẻ. Để phát triển không gian ngầm hiệu quả, bên cạnh tăng cường quản lý, quy hoạch, việc hoàn thiện khung pháp lý cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu quy hoạch và khung pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.