(HNM) - Doanh nghiệp (DN) chây ì, nợ lương, trốn đóng BHXH, BHYT… khiến quyền lợi chính đáng, đời sống của những công nhân
Cuối tháng 9 vừa qua, khoảng 100 CN Công ty cổ phần (CP) Nhựa Trường Thịnh (KCN Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) đã kéo về trụ sở công ty đòi tiền lương bị nợ. Phản ánh của công nhân (CN), suốt từ tháng 2 đến tháng 4-2014, công ty không trả lương mà chỉ cho CN tạm ứng từ 400.000 đến 900.000 đồng/người. Tới tháng 7-2014, công ty đóng cửa không hoạt động, không thông báo cho cơ quan chức năng và tất nhiên "lờ" luôn việc hàng trăm CN còn chưa nhận lương tháng 6 và 7. Không chỉ vậy, dù công ty chỉ đóng BHXH cho CN đến năm 2011, nhưng từ đó đến nay tháng nào cũng trừ lương CN để đóng BHXH, nhiều CN bị tai nạn lao động hay thai sản không được hưởng chế độ BHXH... Theo cơ quan BHXH huyện Củ Chi, Công ty CP Nhựa Trường Thịnh hiện còn nợ BHXH hơn 6 tỷ đồng.
Tình trạng trốn đóng BHYT, BHXH tăng mạnh thời gian qua khiến đời sống một bộ phận công nhân gặp nhiều khó khăn. |
Cùng thời điểm trên, CN Công ty May gia công D&D (huyện Hóc Môn) cũng kéo nhau đi đòi nợ lương. Lãnh đạo công ty cam kết sẽ trả vào chiều 25-9 nhưng đến hẹn thì chủ DN đã… biến mất khỏi địa phương.
Trước đó, giữa tháng 8-2014, hàng trăm CN Công ty TNHH SMY Việt Nam (huyện Hóc Môn) cũng ngừng việc đòi lương. Lãnh đạo công ty hết lần này, lần khác hẹn trả và đến cái hẹn cuối cùng, khi CN đến công ty thì chỉ thấy bảng thông báo "Công ty tạm ngưng hoạt động…, lương tháng 7, 8-2014 sẽ trả vào ngày…".
Tại buổi tiếp xúc với CN mới đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đã nhận thiếu sót trước CN: "Khi tôi ứng cử đại biểu Quốc hội, trong nội dung ứng cử tôi có hứa sẽ thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi, lắng nghe những tâm tư, bức xúc của anh chị em CN. Nhưng nhiệm kỳ qua, tôi đã không làm được điều này, đó là thiếu sót của tôi! |
Mới đây lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng sở, ngành liên quan đã trực tiếp đối thoại với CN. Tại cuộc đối thoại này, những bức xúc của CN về việc DN nợ lương, trốn đóng BHXH đã được đưa ra. Theo anh Nguyễn Thanh Khoa (Công ty Sài Gòn Precision), thủ tục để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) rất nhiêu khê và việc nhận được hay không đều phụ thuộc vào DN, bởi nếu DN nợ BHXH sẽ kéo theo việc hưởng các quyền lợi của BHTN không đầy đủ, thậm chí nếu không đóng BHTN thì sẽ bị cắt luôn. CN Thanh Nhân cho biết thêm, theo quy định, mỗi CN chỉ được một sổ BHXH, điều này vô tình gây thiệt thòi cho họ khi công ty giải thể, chủ bỏ trốn không lấy được sổ. Nếu sang công ty khác cũng không được cấp sổ mới…
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế khó khăn đã tác động trực tiếp đến nhiều DN, tình trạng nợ lương, nợ BHXH ở các DN khá nhiều. Để giải quyết tình trạng này, Sở đã ký phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố để nắm bắt phát hiện DN nợ BHXH, nợ lương… tổ chức thanh tra, xử lý.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong trường hợp DN chiếm dụng tiền đóng BHXH của CN thì Thanh tra lao động cần chủ động xử phạt, kiện DN ra tòa. Còn CN có thể chủ động cầm CMND đến BHXH để biết được tình trạng đóng BHXH của công ty nhằm có kiến nghị kịp thời khi thấy sai sót. Khi DN ngừng hoạt động, CN có thể liên hệ với LĐLĐ quận, huyện để nhận lại sổ.
Đa phần giải pháp nêu trên của ngành chức năng khi đi vào thực tế gặp không ít vấn đề. Ví dụ giải pháp kiện ra tòa án, ở vụ Công ty TNHH SMY Việt Nam nợ lương rồi ngừng hoạt động, theo hướng dẫn của Phòng LĐ,TB&XH huyện Hóc Môn, CN đã nộp đơn khởi kiện công ty. Thế nhưng, trong biên bản hòa giải, tòa chỉ cho thời hạn 3 ngày để nộp đơn khởi kiện kèm yêu cầu CN phải cung cấp bản sao CMND, hộ khẩu và giấy tạm trú, trong khi CN đa phần ở các tỉnh xa nên không làm kịp giấy tờ.
Từ vụ việc này cho thấy, cần phải có giải pháp quyết liệt hơn, như xem việc DN chiếm dụng tiền BHXH là hành vi hình sự thì mới đủ sức răn đe sai phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.