(HNM) - Do đưa được hàng loạt công trình nguồn mới vào vận hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo, hè này nhiều khả năng sẽ không thiếu điện và vì vậy không phải cắt điện luân phiên như mọi năm. Vậy Hà Nội có nằm trong tình hình chung ấy?
Thưa rằng có thể có và có thể không. Nếu tình trạng xây mới đường dây và các trạm biến áp vẫn chậm tiến độ như hiện nay dù công suất nguồn đủ thì Hà Nội vẫn thiếu điện, thậm chí tình trạng thiếu điện có thể căng thẳng hơn nếu nhu cầu phụ tải tăng thêm.
Để tiếp nhận được sản lượng 10,6 tỷ kWh, tổng công suất các trạm biến áp của Hà Nội phải đạt tối thiểu 5.000 MVA. Vì vậy, năm 2012, ngành điện Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư 1.700 tỷ đồng cho đường dây và trạm, nâng cấp các trạm biến áp trung thế và hạ thế, thay thế các đường dây cũ bằng đường dây siêu nhiệt, đưa vào vận hành 4 trạm biến áp 110kV mới, đồng thời nâng cấp 8 trạm biến áp hiện có. Ngoài các trạm và đường dây đó,EVN, Công ty Truyền tải điện quốc gia cùng với EVN Hà Nội còn dự kiến đưa thêm các đường dây và trạm biến áp 220kV Sóc Sơn - Vân Trì, Hà Đông - Thành Công, Vân Trì - Chèm vào vận hành. Nếu các công trình trên đạt tiến độ, nguồn điện trung và cao thế cho Hà Nội trong mùa hè này sẽ đủ.
Tuy nhiên, hầu hết các công trình trên đến nay đều chậm tiến độ, nhiều công trình chưa thể đóng điện vì thiếu đường dây, nhiều công trình chưa thể khởi công vì thiếu mặt bằng. Không chỉ kế hoạch năm nay mà nhiều công trình của kế hoạch những năm trước cũng còn tồn lại. Đến nay, mới có một trong số 6 trạm biến áp 220kV và 4 trong số 11 trạm biến áp 110kV xây mới được hoàn thành nhưng trong số này, vẫn còn có trạm chưa đưa vào vận hành được vì thiếu đồng bộ…
Trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ các công trình đường dây và trạm của Hà Nội, nổi lên 3 nguyên nhân chính, đó là chưa có quy hoạch thống nhất; chưa đền bù giải phóng xong để có thể bàn giao mặt bằng sạch cho bên thi công; chậm có những chủ trương, chính sách tháo gỡ vướng mắc cụ thể nảy sinh trên thực tế. Mùa hè đang đến gần, chỉ vài chục ngày nữa, việc thi công, nâng cấp, vận hành sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời điểm hiện nay.
Để có thể đẩy nhanh tiến độ, cần huy động lực lượng thi công đang triển khai trên nhiều lĩnh vực tập trung cho đường dây và trạm theo tinh thần "điện đi trước một bước"; sớm bàn bạc thống nhất giữa Quy hoạch phát triển điện lực Hà Nội với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 để tháo gỡ khó khăn ở một số công trình trọng điểm; vấn đề quan trọng nhất là thỏa thuận với dân về phương án, giá cả đền bù, những vấn đề nảy sinh trong giải phóng mặt bằng như diện tích còn thừa sau khi thu hồi đất, an toàn lưới điện, đường vận chuyển trong thi công, giá hoa màu công trình trên đất thu hồi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.