(HNMO) - Tham luận của Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giãi bày về những khó khăn trong phát triển của một đô thị đặc biệt phần nào cũng phản ánh thực tiễn tại Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận định: Những ràng buộc về tính thống nhất của thể chế chưa cho phép thành phố Hồ Chí Minh thật sự khai thác, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng phát triển, phù hợp với điều kiện đặc thù của một đô thị đặc biệt và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chính những ràng buộc về thể chế, chính những cơ chế vận hành trong các điều kiện cụ thể về nguồn lực, về môi trường, về các ngành có giá trị gia tăng cao, về phát triển khoa học công nghệ, về nâng cao năng suất,... là những yếu tố tạo nên những động cơ cho tăng trưởng, quyết định khoảng cách giữa chủ trương và hiện thực. Các giải pháp về nâng cao chất lượng tăng trưởng phải được định hình trong các khuôn khổ thể chế giải phóng các tắc nghẽn trong cơ chế ngành và liên ngành, hình thành được các động cơ khuyến khích, tích hợp được các chiến lược sử dụng hiệu quả và huy động được các nguồn lực trong xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong đề xuất: Trong thiết kế thể chế rất cần chú trọng vào hình thành các động lực, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, tạo không gian chủ động cho các địa phương. Quá trình hoàn thiện thể chế cần tạo đột phá trong cải cách hành chính và tài chính công; quy định minh bạch ba cơ chế về phân quyền, phân cấp và ủy quyền cho địa phương; đồng thời tạo cơ chế để tăng cường hiệu lực kiểm tra, thanh tra của Chính phủ đối với chính quyền địa phương. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu tập trung hơn nữa vào 3 nhiệm vụ : (1) Hoạch định chính sách; (2) Ban hành các quy định và (3) Kiểm tra, giám sát, chế tài vi phạm. Đối với các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện. Mong muốn Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn trong chủ trương rất đúng đắn là chuyển nền hành chính mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ, dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: Động lực cho chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nằm ở các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các đô thị đặc biệt. Tuy nhiên, hệ thống thể chế quản lý đô thị và cơ chế liên kết vùng nhìn chung không theo kịp yêu cầu phát triển. Các loại quy hoạch theo chức năng và không gian hiện có, nhiều về số lượng, nhưng vai trò còn hạn chế trong nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, thể hiện qua việc các cơ chế phát triển, liên kết vùng còn hạn chế, nguồn lực phân tán và không phát huy được hiệu quả kinh tế theo quy mô, các vấn đề đô thị xử lý theo lợi ích cục bộ của từng địa phương. Các tỉnh, thành trước thúc ép tăng trưởng và thu hút vốn đầu tư thường thông qua những biện pháp phía cung để thúc đẩy kinh tế; sự lan tỏa và giao thoa tích cực về kinh tế không được tận dụng triệt để.
Việc tổ chức thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Ngân sách sửa đổi năm 2015 cần những đột phá mạnh mẽ và toàn diện về mặt thể chế trong quản trị địa phương, quản lý đô thị để đáp ứng các yêu cầu về nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu rõ: Cần tiếp tục nghiên cứu về đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tính tự chủ và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Việc phân cấp quản lý trên cơ sở nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính chất của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đơn nhất, đồng thời đề cao tính tự chủ của chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề bức xúc và cơ bản của đô thị, khai thác nguồn lực trên nền tảng tăng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị đặc biệt.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, năng lực cạnh tranh của một thành phố nói riêng và cả nước nói chung gồm bốn yếu tố: (1) Thể chế; (2) Các chính sách và quy định về môi trường kinh doanh; (3) Các kết nối cứng như cơ sở hạ tầng về giao thông, viễn thông, năng lượng và hệ thống logistics; (4) Các kết nối mềm như sự sáng tạo và lan tỏa công nghệ, hệ thống giáo dục và đào tạo, hệ sinh thái sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, văn hóa doanh nghiệp, điểm giao về thông tin và sở hữu trí tuệ, thu hút nhân tài qua các điều kiện sống và môi trường làm việc, dịch vụ tài chính phát triển, mở cửa và kết nối với thế giới. Những yếu tố này gắn kết với chất lượng tăng trưởng, như một tổng hòa không thể tách rời. Việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho các đô thị đặc biệt sẽ tạo điều kiện, không gian cho sự chủ động, sáng tạo, để có khả năng phát triển hài hòa và toàn diện bốn yếu tố của năng lực cạnh tranh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong quả quyết: TP Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc trách nhiệm với nhân dân cả nước, với truyền thống yêu nước, cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, quyết tâm hoàn thành mục tiêu Đại hội X Đảng bộ thành phố đề ra - nhất là nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.