(HNM) - Với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”, Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2020 chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 (ngày 21-4) diễn ra giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng sự kiện vẫn được giới xuất bản và độc giả rất mong đợi.
Trong hoàn cảnh hiện nay, việc hội sách được tổ chức theo hình thức trực tuyến là bước đi đúng đắn và cần thiết, mang tính chuyển mình của ngành Xuất bản.
Điểm lại các kỳ tổ chức, hội sách luôn chứng tỏ là sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động của Ngày sách Việt Nam (từ năm 2014). Sự kiện ý nghĩa này đã trở thành một nét đẹp văn hóa lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tạo dựng văn hóa đọc, nâng cao dân trí. Đặc biệt, sự kiện được tổ chức mỗi năm đã tạo nên một không gian văn hóa sách ấn tượng tại Thủ đô nghìn năm văn hiến; góp thêm một điểm đến thú vị và ý nghĩa cho người dân Hà Nội cũng như du khách trong, ngoài nước.
Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội sách quốc gia được tổ chức trực tuyến để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Sự kiện diễn ra trong tình huống bất khả kháng, nhưng việc tổ chức trực tuyến cũng mang lại nhiều lợi ích cho ngành Xuất bản. Nổi bật là cơ hội cho các đơn vị xuất bản thích ứng với xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0. Hội sách cũng khẳng định, dù gặp hoàn cảnh khó khăn, thì sách vẫn được cộng đồng xã hội quan tâm, đón nhận nhiệt tình.
Vấn đề người yêu sách quan tâm hiện nay là hội sách diễn ra trên sàn giao dịch điện tử Book365.vn, do vậy, chất lượng cơ sở hạ tầng, giao diện, tính năng, chế độ bảo mật… có đáp ứng yêu cầu? Tất nhiên, đơn vị tổ chức đã tính toán đến những yếu tố này và mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Tuy vậy, bạn đọc vẫn mong chờ sàn thương mại điện tử sẽ được vận hành ổn định để họ có thể tham gia đầy đủ, chất lượng vào tất cả các sự kiện liên quan. Đặc biệt là sẽ mua được những cuốn sách yêu thích với nội dung chất lượng, mẫu in đẹp, có bản quyền… Thực tế, đây cũng là cam kết của các nhà xuất bản khi đưa sách lên sàn, tuy nhiên, thực hiện nghiêm túc vẫn là việc cần lưu ý.
Về lâu dài, nếu được hỗ trợ tốt thì sàn thương mại điện tử này sẽ trở thành địa chỉ tin cậy để các nhà xuất bản giới thiệu, quảng bá sách, giúp bạn đọc có thêm kênh lựa chọn sách phong phú, tiện lợi.
Một điều dễ thấy khác là hội sách thực địa mọi năm thường chỉ tổ chức trong 5-7 ngày, thì năm nay, hội sách trực tuyến kéo dài hơn một tháng (từ ngày 19-4 đến 20-5). Thời gian nhiều, đòi hỏi các đơn vị tham gia cần chủ động, sáng tạo trong tổ chức các sự kiện nhằm thu hút đông đảo độc giả cùng tương tác. Những yếu tố này sẽ được thẩm định trong thời gian tới và đây có thể coi là bước tập dượt ban đầu, từ đó đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tổ chức hội sách trực tuyến. Các đơn vị xuất bản phải coi dịp này là cơ hội để vừa vượt qua khó khăn trước mắt do dịch Covid-19, vừa bắt kịp với xu hướng phát triển mới; tích cực hoàn thiện hạ tầng cần thiết, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và các đơn vị liên quan đưa sách đến với bạn đọc trong nước, quốc tế.
Với người yêu sách, khi tham gia hội sách trực tuyến cần thực hiện tốt trách nhiệm công dân, thể hiện văn hóa trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, mỗi người cùng tích cực góp ý với đơn vị tổ chức, nhà xuất bản về những ưu, nhược điểm của từng gian hàng, sự kiện nhằm góp phần tạo nên thành công cho hội sách.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tổ chức hội sách trực tuyến là hướng đi tất yếu, là động lực góp phần quan trọng giúp ngành Xuất bản thích ứng để phát triển, hòa nhập tốt với sự chuyển mình của nền kinh tế đất nước đang chuyển dần sang kinh tế số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.