(HNM) - Các vụ đánh bom, với tần suất ngày càng tăng trong vòng hơn 16 tháng qua tại Iraq, đã báo hiệu những bất ổn tiềm tàng tại quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công như vũ bão và thắng lợi khá dễ dàng của các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo và Levant (ISIL) ở khu vực miền Bắc và miền Trung Iraq trong những ngày qua khiến Mỹ khá bất ngờ. Sau những cuộc tham vấn an ninh với các quan chức cấp cao, chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn còn lúng túng trong việc có nên triển khai binh sĩ đến ứng cứu đội quân đang bị "lép vế" của Thủ tướng Iraq Nuri Al-Maliki hay không.
Giá dầu tăng cao do lo ngại chiến sự tại Iraq. |
Sự thận trọng của người đứng đầu nước Mỹ trước những lời cầu cứu từ Baghdad không chỉ làm những lãnh đạo chóp bu của Iraq lo sợ mà còn khiến các sàn giao dịch dầu mỏ toàn cầu tăng nhiệt. Cho đến hết phiên giao dịch cuối tuần ngày 20-6, giá dầu chưa một lần đi xuống trong suốt 7 ngày liên tiếp và đứng ở đỉnh của 9 tháng. Trên sàn giao dịch New York, dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 tăng 0,4% lên 106,43 USD/thùng và dầu Brent tăng 0,7% lên 115,06 USD/thùng trên sàn ICE.
Ngay từ khi chiến sự bùng nổ tại Iraq, thị trường dầu thô đã "đánh hơi" thấy những nguy cơ tiềm tàng khi chứng kiến sự phản kháng yếu đuối của quân chính phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, những tay súng thiện chiến của ISIL đã giành quyền kiểm soát nhiều thành phố, thị trấn lớn ở miền Bắc và miền Trung Iraq, đồng nghĩa với việc những giếng dầu tiềm năng ở khu vực này ngừng hoạt động vì nằm trong tay phiến quân.
Thông tin về các cuộc giao tranh ác liệt tại Nhà máy Lọc dầu Baiji lớn nhất Iraq, cách Baghdad chỉ khoảng 200km về phía bắc và việc quân nổi dậy đã bắt cóc 40 công nhân Ấn Độ làm con tin cho thấy ISIL chủ trương tấn công các cơ sở kinh tế trọng yếu của quốc gia Trung Đông. Bạo lực leo thang và ảnh hưởng của phiến quân ngày một mở rộng cũng khiến nhiều quốc gia đang kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí ở Iraq lo ngại và rút bớt hoặc sa thải nhân công bản địa. Những quyết định này đương nhiên cũng ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất dầu của Iraq và những lo lắng về một sự gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung từ quốc gia đứng thứ hai trong Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là hoàn toàn xác đáng.
Hiện tại, phần lớn hạ tầng của ngành dầu mỏ Iraq nằm ở khu vực phía nam gồm những vựa dầu lớn ở Rumaillah, Majnoon và Tây Qurna. May mắn, các điểm khai thác quan trọng được nối với nhau bằng hệ thống đường ống dẫn dầu và dẫn ra các cảng xuất khẩu ở Basra, cách Baghdad hơn 500km về phía nam vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo động. Nhưng với bản chất là một cuộc xung đột giáo phái sâu sắc và nền tảng của một nhà nước chuyên quyền, tham nhũng, chưa có gì để bảo đảm rằng những mâu thuẫn gay gắt được nuôi dưỡng bởi ngọn lửa thù hận của người Sunni Arab sẽ không lan xuống khu vực dầu mỏ phía nam.
Thực tế cho thấy quân đội chính phủ có nòng cốt là người Shiite của ông N.Al-Maliki đã tỏ ra bạc nhược hơn so với lực lượng ISIL - được cho là chỉ khoảng từ 7.000 đến 10.000 người. Chỉ với ngần ấy tay súng, ISIL đã tiến xa và nhanh hơn những gì có thể dự báo và đây là điều khiến thế giới cho rằng cục diện Iraq sẽ rất khó dự đoán. Nhận được sự ủng hộ hoặc ít nhất là không phản đối của người Sunni Iraq, những người đã bị gạt ra khỏi đời sống chính trị ở nước này, sức mạnh của ISIL vì thế được tăng lên gấp bội. Cũng bởi vậy, cộng đồng quốc tế không dám chắc chính quyền của Thủ tướng N.Al-Maliki sẽ cầm chân được quân nổi dậy đang ở thế thừa thắng xông lên nếu không nhận được hỗ trợ từ bên ngoài. Mỹ chưa có quyết định cuối cùng về một chiến dịch can thiệp trở lại Iraq khi Washington đã phải rất khó khăn để rút chân khỏi vũng lầy đã tiêu tốn tới 5.000 tỷ USD giữa lúc Iran, một đồng minh của chính quyền N.Al-Maliki chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ để đưa lực lượng hỗ trợ người bạn Shiite ở Iraq. Do đó, các sàn giao dịch dầu thô khắp thế giới đang chuyển động quanh trọng tâm của cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng tại Iraq.
Chiếm 1/5 trữ lượng dầu toàn thế giới và có năng lực sản xuất 3,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, rất dễ hiểu khi tâm lý của các nhà đầu tư bị tác động mạnh mẽ bởi cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông. Cho đến hiện tại, nguồn cung dầu từ Iraq chưa bị ảnh hưởng nặng nề vì loạn lạc nhưng về dài hạn, Iraq có tầm quan trọng không thể xem nhẹ đối với an ninh năng lượng toàn cầu. Đợt biến động giá lần này của dầu thô cũng phản ánh thực tế là cho dù thành công của các cuộc tìm kiếm dầu đá phiến đã thay đổi bản đồ năng lượng thế giới cũng như vị thế địa chính trị của Trung Đông, nhưng rõ ràng "rốn dầu" này vẫn có vai trò quyết định và dẫn dắt đối với thị trường nhiên liệu thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.