(HNMO) - Sau gần 2 năm tăng trưởng phi mã, thị trường máy tính bước vào giai đoạn giảm tốc do nguồn cung hạn chế - hệ quả của những khó khăn trong chuỗi cung ứng và hoạt động vận tải.
Trên quy mô toàn cầu, thống kê mới công bố của hãng nghiên cứu thị trường Canalys cho thấy, người tiêu dùng toàn cầu đã mua 84,1 triệu máy tính cá nhân, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức thấp hơn đáng kể so với 5 quý trước đó - vốn đều chứng kiến sức tăng trưởng 2 con số.
Trong đó, số lượng máy tính xách tay và máy trạm di động bán ra tăng 3%, đạt 67,4 triệu máy bán ra. Mảng máy tính để bàn và máy trạm để bàn cũng tăng trưởng 12%, đạt 16,6 triệu máy bán ra. Nếu chỉ nhìn vào doanh số, đây là lượng máy tính bán ra nhiều nhất kể từ quý III-2021.
Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các nhà phân phối và đối tác bán lẻ đều đang đối mặt khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung. Trong khi đó, các nhà sản xuất cũng rất vất vả để đảm bảo sản lượng đủ đáp ứng đơn đặt hàng từ phía đối tác.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở thị trường trong nước. Trong 9 tháng năm 2021, đã có hơn 1 triệu máy tính xách tay được nhập khẩu về Việt Nam, với các các thương hiệu dẫn đầu lần lượt là Dell, HP, Asus. Con số này cao hơn đáng kể mức 646.051 máy của cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, khó khăn nguồn cung chung trên toàn cầu kết hợp với thực tế nhu cầu học tập và làm việc trực tuyến trong nước tăng vọt thời gian qua đã khiến tình trạng khan hiếm trở nên trầm trọng. Không chỉ thường xuyên phải từ chối các yêu cầu mua hàng từ đại lý, bản thân các nhà phân phối Việt Nam đã và đang phải cạnh tranh vất vả trên quy mô quốc tế để có được đơn đặt hàng cũng như đảm bảo hàng đã đặt về đúng thời điểm và đầy đủ.
Khó khăn ở lĩnh vực phần cứng bán lẻ và máy tính để bàn được đánh giá là trầm trọng hơn so với mảng kinh doanh máy tính xách tay, đặc biệt do sự khan hiếm card đồ họa và bộ vi xử lý trung tâm (CPU). Để ứng phó, nhiều đơn vị bán lẻ buộc phải dừng phục vụ riêng hai loại linh kiện này để tập trung đáp ứng nhu cầu lắp ráp máy nguyên chiếc. Khó khăn càng chồng chất khi giá thành các thành phần cơ bản khác như bo mạch chủ, màn hình cũng đều cao hơn. Sự kết hợp của các yếu tố như vậy đồng nghĩa chi phí người dùng bỏ ra để sở hữu máy tính lúc này đã trội lên đáng kể.
Thực tế khó khăn nói trên đặt hệ thống đại lý bán lẻ vào thế khó. Theo ghi nhận, nhiều đơn vị phải tự xoay xở bằng nguồn hàng riêng, thay vì chỉ trông chờ vào nhà phân phối chính thức của các thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp cũng phải giới hạn bán lẻ các loại linh kiện bị thiếu (đặc biệt là bộ vi xử lý) để ưu tiên lắp máy tính hoàn chỉnh cho khách hàng.
Việc thiếu hụt nguồn cung được dự báo còn kéo dài và sẽ đặc biệt trầm trọng trong dịp cuối năm nay, khi nhu cầu mua sắm tăng vọt. Nhận định này cũng đúng với Việt Nam. Qua trao đổi với phóng viên, đại diện một hãng bán dẫn lớn tại Việt Nam đã dự báo, khó khăn của ngành kinh doanh máy tính trong nước chỉ có thể cải thiện sớm nhất là từ cuối năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.