(HNM) - Cuối năm 2019 là thời điểm người sử dụng lao động cần tuyển thêm lao động để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bước vào thời kỳ cao điểm. Phía người lao động mong muốn có thêm việc làm, tăng thu nhập để sắm sửa đón Tết Nguyên đán. Do đó, thị trường lao động, việc làm dịp cuối năm diễn ra sôi động, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đòi hỏi cả hai phía phải cùng cẩn trọng.
Nhu cầu việc làm thời vụ tăng cao
Trong vai người cần sử dụng lao động thời vụ, phóng viên Báo Hànộimới đến một số địa chỉ cung ứng lao động để tìm hiểu. Tại khu vực “người chờ việc” ở vườn hoa Hà Đông, phía đầu cầu Đen, tiếp giáp đường Phùng Hưng, phóng viên được anh Phạm Phú Long, đến từ xã Giao Châu, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đặt yêu cầu: “Chúng tôi có thể làm mọi công việc gia chủ yêu cầu, từ phá dỡ công trình, bốc vác, vận chuyển đồ đạc, đến dọn dẹp nhà cửa... Tuy nhiên, chúng tôi ưu tiên những công việc có thể làm theo nhóm, với mức tiền công tối thiểu 350.000 đồng/người/ngày, thấp hơn sẽ không nhận”.
Tiếp tục đến một số điểm tập trung nhiều lao động tự do khác gần các ga tàu, bến xe, chợ, bệnh viện…, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy nhu cầu “người tìm việc”, “việc tìm người” vào thời điểm cuối năm tăng nhanh. Chị Lê Thị Tiếp, chủ một cửa hàng bán rau, củ, quả tại chợ đầu mối phía Nam, Khu đô thị Đền Lừ, (quận Hoàng Mai) cho hay: “Cần thêm người bốc, xếp hàng hóa vào ban đêm, tôi đã sử dụng lao động từ những nơi khác đến và trả tiền công theo giờ với giá khoảng 80.000-100.000 đồng/giờ”.
Còn chị Nguyễn Thị Hạnh, đến từ xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) có kinh nghiệm nhiều năm giúp các gia đình chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Tôi được nhiều gia đình nhờ tìm người giúp việc, nhưng chưa tìm được ai vì thời điểm này, người dân vùng nông thôn bận thu hoạch hoa màu vụ đông, chuẩn bị cấy lúa xuân”.
Tương tự thị trường tự do, nhu cầu tuyển dụng lao động thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm cũng diễn ra sôi động. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Sữa hạt Việt Nam - Sữa hạt L’Orchata, ngõ 111/8 Lâm Hạ, phường Bồ Đề, (quận Long Biên) đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân viên vận hành máy, chăm sóc khách hàng; hệ thống siêu thị Nguyễn Kim đăng tuyển hàng chục lao động làm việc tại Hà Nội…
Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong những tháng cuối năm 2019 và tháng 1-2020, nhu cầu tuyển dụng lao động, tìm kiếm việc làm tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với hàng vạn vị trí việc làm mới.
Hỗ trợ kết nối cung - cầu
Do nhu cầu việc làm thời vụ tăng cao, nên các thông tin về "người tìm việc" hay "việc tìm người" được đăng tải khắp nơi, khiến nhà tuyển dụng cũng như người lao động bị nhiễu thông tin.
Chị Trần Thị Liên, khu Ga, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) kể: “Thấy một doanh nghiệp trên địa bàn treo biển tuyển lao động phổ thông với mức lương hấp dẫn, tôi đến tận nơi đăng ký. Khi trao đổi trực tiếp, tôi mới biết mức lương cao dành cho những vị trí công việc đòi hỏi người lao động có kỹ năng, tay nghề, còn lao động phổ thông chỉ được tuyển vào làm tạm thời, thu nhập thấp hơn nhiều so với lời… quảng cáo”.
Tương tự, em Nguyễn Thùy Chi, sinh viên Khoa Tin học - Pháp luật và Cơ bản, Trường Trung cấp Kinh tế - Tài chính Hà Nội, phường Phú Lãm (quận Hà Đông) phản ánh: “Tin theo lời giới thiệu hấp dẫn trong tờ rơi đăng tải thông tin tuyển dụng lao động thời vụ, em chủ động liên lạc với họ. Sau khi cơ sở này có thông tin, họ liên tục gọi điện yêu cầu nộp trước 500.000 đồng lệ phí tuyển dụng. Thấy vô lý, em tìm hiểu kỹ hơn và được biết, cơ sở này không có địa chỉ thực, họ đăng tin tuyển lao động để lừa những người nhẹ dạ, cả tin”.
Trong khi đó, về phía người sử dụng lao động, thực tế đã xảy ra không ít trường hợp bị kẻ gian núp bóng người giúp việc gia đình, người có nhu cầu làm việc theo giờ, theo mùa vụ để thực hiện hành vi trộm, cắp.
Trước thực trạng này, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo, người lao động và người sử dụng lao động nên kết nối cung - cầu thông qua các sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín; đồng thời nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký, trao đổi. Đặc biệt, người lao động không nên tin vào những lời quảng cáo “làm nhàn, lương cao” để tránh bị lừa; tuyệt đối không giao tiền, giấy tờ tùy thân cho những người không quen biết để xin việc…
Nhằm hỗ trợ kết nối cung - cầu cho thị trường lao động, ngoài các phiên giao dịch việc làm cố định diễn ra tất cả các ngày trong tuần, trong quý IV năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã mở thêm một số phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho nhóm lao động đặc thù.
Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, sở đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đổi mới cách thức tổ chức để nâng cao chất lượng, hiệu quả các sàn giao dịch việc làm vệ tinh; cung cấp thông tin về thị trường đến cấp xã, phường, thị trấn. Sở cũng khuyến khích các địa phương nỗ lực tạo thêm nhiều việc làm mới tại chỗ cho người lao động. Theo hướng này, trong những tháng cuối năm, 30 quận, huyện, thị xã có thể tạo ra hàng nghìn việc làm mới, giúp người lao động không phải đi làm xa, đồng thời hạn chế được những hệ lụy, rủi ro do thị trường việc làm thời vụ mang lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.