(HNMO) - Thị trường lao động Hà Nội đầu năm 2015 đang có xu hướng tăng cầu với tỷ lệ cạnh tranh không cao và nhưng hình như yếu tố cung-cầu của Hà Nội vẫn đang bị lệch do chất lượng lao động…
Dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng lao động thường là tăng cao. (Ảnh minh họa của Minh Bắc) |
Nhu cầu sử dụng lao động tăng cao là quy luật thường xảy ra dịp này trong năm đối với tất cả các địa phương trong nước. Nhìn vào báo cáo nhân lực trực tuyến cả năm 2014 của VietnamWorks cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng khá mạnh. Các quý đều tăng trưởng ở mức 20-30%. Quý 4 tăng cao hơn ba quý trước, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính cả năm 2014 nhu cầu tuyển dụng tăng đến 38% so với năm 2013. Điều đó cho thấy tình hình kinh tế của năm 2014 đã có những chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đã tuyển dụng người để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của mình. Báo cáo cũng chỉ rõ các doanh nghiệp này phần lớn thuộc ngành công nghệ thông tin và các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật. Trong khi đó mức tăng trưởng nguồn cung lao động lại không tăng mà có xu hướng giảm nhẹ. Kết quả toàn năm 2014 cho thấy nguồn cung lao động giảm nhẹ ở mức 1%.
Riêng đối với Hà Nội, thành phố đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cao hơn cả thành phố Hồ Chí Minh nhưng tính cạnh tranh tại từng vị trí lại không cao bằng. Thống kê thực tế từ sàn giao dịch việc làm Hà Nội cả năm 2014 đã tổ chức tới 54 phiên, trong đó có 49 phiên giao dịch việc làm (GDVL) cố định; 4 phiên GDVL lưu động tại các quận, huyện có thị trường lao động phát triển như quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Sóc Sơn; 1 phiên GDVL online phối hợp với 5 tỉnh thành. Kết quả, số lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch có trình độ đại học chiếm 28,54%, trình độ cao đẳng chiếm 31,4%, trình độ trung cấp, chứng nhận kỹ thuật chiếm 26,9% lao động phổ thông chiếm 13,16%...
Tỷ lệ kết nối cung-cầu lao động tại phiên giao dịch chỉ đạt tỷ lệ bình quân gần 25%. Tuy nhiên, cũng có những phiên giao dịch có tỷ lệ kết nối khá cao, đó là những phiên giao dịch theo chuyên đề như quảng cáo, giao nhận vận tải, tuyển dụng nhân sự cho khối siêu thị… Lý giải vấn đề này, một số chuyên gia lao động cho rằng, sở dĩ tỷ lệ này thấp là do nguồn cung lao động chủ yếu gồm các đối tượng như là học sinh, sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, lao động có chất lượng đào tạo thấp hoặc chưa qua đào tạo nên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, thị trường lao động Hà Nội vẫn còn tình trạng “thiếu thợ” nên lao động trình độ ĐH, CĐ vẫn chấp nhận làm các công việc chỉ yêu cầu trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật hoặc thậm chí làm lao động phổ thông. Còn tỷ lệ này ở các phiên chuyên đề cao hơn là do số đông doanh nghiệp cùng lĩnh vực đã tham gia những phiên này và người đến tìm việc cũng đã định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên tỷ lệ kết nối cung-cầu sẽ tốt lên.
Bước vào năm 2015, sự chênh lệch cung cầu trên thị trường lao động Hà Nội vẫn còn khó giải quyết mặc dầu Hà Nội có nhiều lợi thế để thu hút nhân lực cấp cao. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt là cần phải nâng cao tỷ lệ kết nối cung - cầu ở các phiên giao dịch việc làm bằng cách tuyên truyền, thông tin rộng rãi các số liệu liên quan đến thị trường lao động, nhất là nhu cầu tuyển dụng, xu hướng phát triển của các ngành, nghề…
Hà Nội đang thiếu những cơ sở phân tích dữ liệu về cung, cầu lao động. Để giải quyết vấn đề này, ngành Lao động Hà Nội nên xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu về thị trường lao động, đồng thời kết nối với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các địa phương. Trên cơ sở dữ liệu mới có thể đưa ra những dự báo tốt giúp cho việc đào tạo lao động theo nhu cầu của thị trường phát triển, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang xảy ra, người lao động có cơ hội tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo hơn.
Hiện nhu cầu nhân lực, ngành tư vấn và kiến trúc, thiết kế nội thất có vẻ tăng trưởng hơn để chuẩn bị đón đầu hàng loạt nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội mới đưa vào sử dụng.
Nhìn chung, xu hướng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm 2015 sẽ chú trọng đến hai yếu tố chất lượng và năng suất lao động. Chất lượng, không chỉ phản ánh ở bằng cấp mà còn cả ở kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp đáp ứng đòi hỏi tạo ra năng suất lao động cao. Việc sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và có các kỹ năng mềm khác sẽ là lợi thế lớn để giúp người lao động tiến vào những vị trí có thu nhập cao…
Đến cuối năm 2015, khối cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức khởi động sẽ tạo ra những cơ hội, thách thức lớn đối với thị trường lao động Hà Nội. Khi đó sẽ có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Người lao động Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tìm việc làm tại các nước trong khối nếu có trình độ chuyên môn tốt, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Dự báo nguồn cầu lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc nhóm đối tượng này sẽ gia tăng trong năm 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.