(HNM) - Càng gần những ngày cuối năm, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động (LĐ). Đó là đánh giá của các chuyên gia LĐ khi nguồn cung trên thị trường Hà Nội đang khan hiếm.
Tại một số phiên giao dịch việc làm cuối năm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội, số LĐ đến tham gia tuyển dụng đã giảm rất nhiều so với các phiên giao dịch khác. Điều này khiến các nhà tuyển dụng như ngồi trên lửa, nhất là các doanh nghiệp thương mại và sản xuất. Bởi thời điểm cuối năm cũng là thời vụ cao điểm cho những đơn hàng Tết.
Người lao động tới đăng ký tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. |
Từ 7h30 sáng, hơn 30 bàn tuyển dụng nhân sự đã bắt đầu hoạt động nhưng đến 9h30 sáng người LĐ mới bắt đầu đến xin phỏng vấn. Bà Thanh Thúy, đại diện Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết, so với các phiên giao dịch trước, phiên cuối cùng của năm đã không được như mong đợi của các nhà tuyển dụng. Theo kế hoạch, công ty cần tuyển dụng hàng trăm LĐ làm thu ngân, dịch vụ khách hàng tại các siêu thị, nhân viên văn phòng, nhân viên kỹ thuật, thủ kho, nhân viên bếp chính, thợ làm bánh mỳ… Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% LĐ đạt yêu cầu của công ty. Bà Thanh Thúy cũng cho biết thêm, ngoài phiên giao dịch này, công ty còn tuyển dụng LĐ trên các trang web tuyển dụng nhân sự trực tuyến. Song tình trạng thiếu nhân lực tại doanh nghiệp này vẫn chưa được giải quyết.
Tại phiên giao dịch, đa số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng thời vụ trong dịp Tết, hoặc nhân viên kinh doanh, bếp, phục vụ… với mức lương dao động từ 3 đến 7 triệu đồng/tháng. Có công ty cần tuyển hàng trăm nhân viên thời vụ như Công ty TNHH Hoàng Phúc quốc tế, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối các thương hiệu thời trang quốc tế có nhu cầu tuyển dụng 100 nhân viên bán hàng thời vụ trong dịp Tết. Ngoài ra, công ty này cũng tuyển thêm 50 nhân viên bán hàng chính thức, 10 quản lý cửa hàng và hơn 100 nhân viên bán hàng thời vụ trong dịp Tết.
Theo các chuyên gia LĐ, nhu cầu sử dụng LĐ tăng cao là quy luật thường xảy ra cuối năm đối với tất cả các địa phương trong nước. Tuy nhiên, khác với các năm trước, tại Hà Nội, người LĐ lại không mặn mà với việc làm. Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc TTDVVL Hà Nội cho biết, có 52 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại tuần cuối cùng của năm 2015, với nhu cầu cần 900 LĐ. Đây là dấu hiệu của một nền kinh tế phục hồi, các đơn hàng ngày càng tăng do sức mua tăng. Các siêu thị lớn như Mediamart, BigC, Pico… tuyển dụng đến 500 LĐ phục vụ dịp tết Nguyên đán. Các chương trình phát quà khuyến mãi, hội chợ, tiếp thị… cũng được tổ chức nhiều hơn khiến nhu cầu tuyển dụng LĐ tăng cao. Tuy nhiên, các kênh tuyển dụng trên báo, đài truyền hình, tờ rơi, trực tuyến, phiên giao dịch việc làm… phát huy hết công suất với mức lương từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng nhưng dường như người LĐ vẫn không mấy mặn mà. Cùng thời điểm này năm 2014, mỗi bàn tuyển dụng thu được trung bình 30 bộ hồ sơ, nhưng năm nay số LĐ giảm đến 30%.
Có thể thấy thị trường LĐ thời vụ đang khan hiếm nguồn cung khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng "khát" cục bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của TTDVVL Hà Nội thì việc người LĐ ít đến phiên giao dịch không hẳn là tín hiệu buồn. Bởi, nếu năm 2014 mỗi tuần chỉ có một phiên giao dịch việc làm thì năm nay mỗi tuần có hai phiên vào thứ ba và thứ năm hằng tuần, ngoài ra còn tổ chức nhiều phiên giao dịch lồng ghép, chuyên đề như phiên giao dịch việc làm cho LĐ Hàn Quốc trở về, cho LĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp… nên số LĐ có việc làm đã tương đối ổn định. Điều này cũng góp phần kéo giảm số LĐ mất việc làm đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm. Chính vì vậy, nếu các doanh nghiệp không có kế hoạch trước cho thời điểm cuối năm thì việc rơi vào khủng hoảng thiếu nhân lực hoàn toàn có thể xảy ra. Song, điều này cũng sẽ không kéo dài khi đợt cao điểm phục vụ tết Nguyên đán qua đi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.