Với các huyện có diện tích rộng, dân số đông, địa hình đa dạng, đặc biệt là có nhiều khu vực đồi núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ba Vì, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động có ý nghĩa vô cùng thiết thực, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng có được việc làm phù hợp, góp phần tạo thu nhập ổn định, bảo đảm công tác an sinh xã hội cho người dân ngay tại địa phương.
Hỗ trợ việc làm tại chỗ
Hàng nghìn người lao động thuộc 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, 1 xã giữa sông Hồng trên địa bàn huyện Ba Vì đã cùng góp mặt tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức tổ chức ngày 27-10 vừa qua tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì (Quảng Oai, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội).
Có tới 2.556 chỉ tiêu tuyển dụng của 32 doanh nghiệp tại phiên này, trong đó, nhiều công ty có trụ sở nằm ngay trên địa bàn huyện, tạo điều kiện hỗ trợ người lao động địa phương dễ dàng tìm kiếm việc làm tại chỗ, phù hợp với điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và ổn định thu nhập.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Ba Vì là một huyện nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội với diện tích tự nhiên 424km2, có trên 186 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số toàn huyện. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động trong tình hình mới, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, mỗi năm, huyện có trên 4.500 người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần vào kết quả công tác an sinh xã hội của huyện Ba Vì”.
Tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024, cùng với việc thực hiện công tác tuyển dụng lao động, xuất khẩu lao động, tuyển sinh học viên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho đông đảo học sinh, sinh viên, qua đó, giúp các em biết được xu hướng ngành nghề mà xã hội đang cần để có kế hoạch học tập, rèn luyện kỹ năng, bổ sung kiến thức phù hợp. Rất nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp nằm trên địa bàn Ba Vì và các huyện lân cận được công khai, minh bạch tại phiên này, giúp người lao động trên địa bàn dễ dàng tìm kiếm công việc phù hợp cho bản thân, thuận tiện đi lại, làm việc, sinh hoạt.
Tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển thị trường lao động địa phương
Đến tham gia Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển thị trường lao động tại địa phương.
Bà Tạ Thị Hằng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty cổ phần Sản xuất HAVITECH (lô 5, Cụm công nghiệp Cam Thượng, xã Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: “Công ty chúng tôi mang tới nhiều cơ hội việc làm, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sàn vân gỗ SPC cao cấp cho cả thị trường Việt Nam và quốc tế, mà còn nhiều lĩnh vực khác cho người lao động, ứng viên quan tâm. Phiên này thực sự là cầu nối quan trọng giúp chúng tôi có thể tuyển dụng được lao động phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung”.
Đáng chú ý, bên cạnh hoạt động giao dịch về việc làm, phỏng vấn tuyển dụng, Ban tổ chức Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024 còn triển khai các hoạt động tư vấn du học, cung cấp thông tin về các chỉ tiêu, thị trường xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp.
Chuyên viên tuyển dụng Trung tâm Du học và Cung ứng nguồn lực Việt Linh Lan Chi chia sẻ: “Không chỉ có cơ hội tìm việc làm ngay tại địa phương, học sinh, sinh viên, người lao động đến với phiên này có thể khai thác và tìm kiếm cơ hội du học vừa học vừa làm, đặc biệt là du học được hỗ trợ học bổng với các ngành nghề đang cần nhân lực như: Marketing, kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật chế tạo, công nghệ thông tin, du lịch, nhà hàng, khách sạn. Với huyện còn nhiều khó khăn như Ba Vì, chúng tôi cam kết hỗ trợ giải quyết cho tất cả trường hợp hồ sơ khó với chi phí phù hợp, đồng hành hỗ trợ học viên đến khi hoàn thành tốt khóa học, để sau tốt nghiệp, học viên có việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống và phát triển thành công”.
Đánh giá cao hiệu quả của Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh: Trong những năm qua, lãnh đạo huyện Ba Vì luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, đồng thời cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Năm 2023, huyện giải quyết việc làm cho 4.271 người, đạt 106% kế hoạch năm, có đóng góp quan trọng trong kết quả chung của thành phố.
Đặc biệt, Phiên giao dịch và tư vấn việc làm này không phải là lần duy nhất để người lao động trên địa bàn huyện Ba Vì có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp cho mình. Nếu cần sự hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm, người lao động trên địa bàn huyện có thể liên hệ với Sàn Giao dịch việc làm vệ tinh Ba Vì hoặc qua website vieclamhanoi.net để được hỗ trợ kết nối giữa người lao động với các doanh nghiệp, dễ dàng tiếp cận thị trường và được cung cấp về thông tin thị trường lao động.
----------------
* Đón đọc bài 5: Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước: Những câu chuyện thực tế giàu cảm hứng lập thân, lập nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.