Góp vào sự đa dạng trong các giải pháp hỗ trợ việc làm còn phải kể đến các phiên giao dịch việc làm chuyên đề. Trong đó, những câu chuyện của các lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo diện lao động được cấp phép, trở về nước và lập nghiệp thành công, được chia sẻ tại Hội chợ việc làm chuyên đề dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước năm 2024 (tổ chức sáng 8-11 tại 215 Trung Kính, Hà Nội) thực sự là những bài học thực tiễn giá trị, khích lệ lao động Việt Nam không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng và phong cách làm việc hiện đại.
Chuyện của Út Luân
Ngô Thị Út Luân, sinh năm 1986, quê Thiệu Hóa (Thanh Hóa), sang Hàn Quốc làm việc trong ngành sản xuất chế tạo, là một trong những lao động Việt Nam đạt nhiều thành công trong quá trình học tập và làm việc tại nước ngoài. Xuất thân từ gia đình nghèo, khi sang Hàn Quốc, Ngô Thị Út Luân đã luôn cố gắng nỗ lực, vượt mọi khó khăn, chăm chỉ học hỏi, tận dụng mọi cơ hội để nói được tiếng Hàn, đáp ứng yêu cầu giao tiếp, làm việc với người bản địa, thiết lập các mối quan hệ. Nhờ vậy, sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại Hàn Quốc trở về Việt Nam, Út Luân đã khởi nghiệp và lập nghiệp thành công, mua được nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, đủ khả năng cho 2 con trai học trường quốc tế.
Hiện nay, Ngô Thị Út Luân đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần K-Beauty Worldwide Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH H&B Lab và Công ty TNHH TL Vihaco. Tại Cuộc thi “Lao động EPS về nước lập nghiệp thành công” do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tổ chức dành cho đối tượng là lao động thuộc 16 quốc gia phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc, Ngô Thị Út Luân đã được lựa chọn trao giải Nhất.
Trong khuôn khổ Hội chợ việc làm chuyên đề dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước năm 2024, Út Luân đã chia sẻ kinh nghiệm học hỏi, sáng tạo, hoàn thành tốt công việc của bản thân. Út Luân nhấn mạnh: “Thứ nhất, phải thực sự chăm chỉ học tiếng Hàn để giao tiếp tốt với người bản địa. Thứ hai, phải nỗ lực vượt lên chính mình để vượt qua các kỳ thi kỹ năng nghề, học hỏi kỹ năng làm việc để phát triển bản thân, đồng thời, luôn có ý thức tự học, trau dồi kiến thức cho bản thân trước khi trở về nước lập nghiệp”.
Hành trình không ngừng học hỏi, vượt khó, vươn lên của Ngọc Hùng
Đào Ngọc Hùng, sinh năm 1988 tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, là con thứ hai trong một gia đình thuần nông với ba anh em trai. Tốt nghiệp THPT năm 2005, dù đỗ đại học nhưng Ngọc Hùng quyết định chọn hướng học nghề, đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc để sớm kiếm tiền hỗ trợ gia đình.
Hành trình không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng của Đào Ngọc Hùng trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc thực sự đáng khâm phục. Từ năm 2008 đến 2014, dù công việc rất vất vả, nhưng hằng tuần, Ngọc Hùng đều dành thời gian đi học tiếng Hàn, trở thành người chuyên hỗ trợ dịch cho người lao động và các đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Nhờ vốn tiếng Hàn và kỹ năng vận hành kỹ thuật máy móc, Ngọc Hùng đã được giao nhiệm vụ quản lý gần 20 người chuyên sản xuất phụ tùng cao cấp cho hãng xe Volvo và được nhận lương năm như người bản địa. Trong quá trình làm việc, Ngọc Hùng đã cải tiến thành công máy nâng, giúp công ty giảm bớt sức lao động, tăng hiệu quả năng suất công việc gấp 2 lần so với khi dùng máy cũ, khẳng định lao động Việt Nam không chỉ cần cù, chịu khó mà còn thông minh, sáng dạ. Với mong muốn tìm tòi học hỏi, Ngọc Hùng còn đi học thêm sửa chữa đồ điện tử, điện thoại vào các ngày cuối tuần.
Trở về nước năm 2014, nhưng tháng 4-2015, Ngọc Hùng đã quay lại làm việc tại công ty cũ ở Hàn Quốc, chuyển đổi thành công visa E7- Visa lao động kỹ sư. Đến tháng 7-2022, Ngọc Hùng thành công đổi sang visa D8 - Visa đầu tư. Anh thành lập Công ty cổ phần Thương mại KN với vốn đầu tư 2 tỷ VNĐ, cung cấp dịch vụ liên quan đến thiết bị âm thanh Hàn Quốc, chủ yếu là JBL cho các đại lý và khách hàng kinh doanh thiết bị âm thanh tại Việt Nam và Hàn Quốc, đúng với chuyên ngành âm thanh Hùng từng theo học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt - Hàn. Sau đó, Hùng mở thêm cửa hàng Kim Ngân Mobile - chuyên về sim số, mua bán và bảo hành điện thoại cho người Việt Nam trên toàn Hàn Quốc.
Hiện Hùng đang học liên thông đại học - thạc sĩ tại Hàn Quốc, đồng thời mở thêm một trung tâm tư vấn du học Hàn Quốc tại quê nhà ở Thái Hòa, Nghệ An. Trong quá trình sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, Ngọc Hùng luôn cố gắng học hỏi, giao lưu và hỗ trợ liên kết cho các đoàn doanh nghiệp hai nước, các đoàn đại biểu cấp cao từ các tỉnh như Hậu Giang, Ninh Bình, Nghệ An và thành phố Gwangju kết nghĩa. Anh cũng đã kết nối, hỗ trợ đưa đoàn 70 người, bao gồm Tổ chức tình nguyện quốc tế Rotary và các y, bác sĩ từ Trường Đại học Quốc gia Chonnam về Con Cuông, Nghệ An làm tình nguyện y tế.
Đào Ngọc Hùng cho biết: “Nhờ chương trình lao động EPS, cuộc đời tôi và gia đình đã hoàn toàn thay đổi. Nhờ đó, tôi có thể xây cho bố mẹ một ngôi nhà khang trang và sở hữu 4 công ty, cửa hàng, cả ở Việt Nam và Hàn Quốc với mức doanh thu ổn định. Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho các bạn đã và đang tham gia chương trình EPS. Tôi tin rằng, các bạn sẽ thay đổi cuộc đời mình nếu không ngừng nỗ lực cố gắng”.
Hội chợ việc làm chuyên đề dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước năm 2024 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức, có sự góp mặt của 45 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, trong đó có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản. Tổng nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động gồm 1.337 chỉ tiêu, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: Quản lý sản xuất, biên - phiên dịch, kỹ thuật CNC, công nhân sản xuất điện tử, cơ khí - hàn, điện - điện tử, công nhân vận hành máy…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.