Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường hàng hóa: sức mua yếu, giá tăng nhẹ

L.H| 12/09/2012 12:39

(HNMO) – Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp thương mại và sản xuất hàng hóa liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá… tuy nhiên việc tiêu thụ hàng hóa vẫn ở mức thấp.

Mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, tuy nhiên do độ trễ của việc thực hiện nên tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện và tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa.

Thống kê của Bộ Công thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 8 đạt 190.322 tỷ đồng, tăng 0,67% so với tháng trước, trong đó doanh thu đối với nhóm hàng thương nghiệp đã cải thiện hơn (tăng 0,74% trong khi tháng trước chỉ tăng 0,09%), các nhóm còn lại tăng từ 0,06-0,73%.


Ước tổng mức bán lẻ 8 tháng đầu năm đạt 1.517.721 tỷ đồng, tăng 17,89% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng tương đối thấp so cùng kỳ nguyên nhân một phần do sức mua còn yếu, một phần do giá hàng hóa tăng thấp (CPI 8 tháng đầu năm chỉ tăng 2,86%).

Theo Tổng cục Thống kê, sau hai tháng giảm liên tiếp (tháng 6 và tháng 7), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,63% so với tháng trước, đây là mức tăng tháng khá cao so với cùng kỳ các năm thông thường (trừ năm 2008 và 2011, CPI tháng 8 của các năm thông thường từ 2004 đến nay chỉ tăng dưới 0,6%).

CPI tháng 8 tăng cao là do các yếu tố như việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá điện, nước sinh hoạt, dịch vụ y tế và tăng giá gas. Vì vậy trong cơ cấu CPI tháng 8, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,44% , tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,03%, nhóm giao thông tăng 1,07%, riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục giảm 0,12% (do giá lương thực, thực phẩm giảm), các nhóm còn lại tăng từ 0,24-0,95%, riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm (giảm 0,01%).

Trong cơ cấu vùng, phần lớn các vùng có mức tăng CPI cao là những vùng có các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (vùng Duyên hải miền Trung tăng 1,76% do nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 34,51%); tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, CPI tháng này cũng tăng khá cao (mặc dù chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế) do một số mặt hàng lương thực, thực phẩm bắt đầu nhích lên nên nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng. Như vậy 8 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 2,86% so với tháng 12 năm 2011.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố: tiếp tục mùa mưa bão có thể ảnh hưởng cục bộ đến nguồn cung, giá cả nhóm hàng thực phẩm tại một số địa phương; nhu cầu hàng hóa gia tăng trong dịp Tết Trung Thu, mùa khai giảng; tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục trong thời gian vừa qua; một số địa phương tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế; giá lương thực bắt đầu nhích lên… Tuy nhiên, do sức mua còn thấp nên giá hàng hóa sẽ chỉ tăng nhẹ so với tháng 8.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường hàng hóa: sức mua yếu, giá tăng nhẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.