(HNM) - Chỉ còn ít tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa càng trở nên cấp thiết. Để không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch cân đối cung - cầu, dự trữ, kết nối giao thương, đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng với mức giá bình ổn.
Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá trị tổng lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn Thủ đô đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019; trong đó phần lớn là lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng thiết yếu. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dự kiến lượng hàng hóa tiêu thụ tăng 10-15%.
Thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp cung ứng lớn đã dự trữ hàng hóa từ khá sớm, đồng thời chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu tăng đột biến. Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (quản lý hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (quản lý hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart, BRG Mart…), Co.opmart... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), ngoài 8 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, đơn vị còn dự trữ các nhóm mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát, đồ khô, đồ gia dụng… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt 700 tỷ đồng, trong đó lượng hàng hóa các đơn vị thành viên tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết khoảng 200 tỷ đồng.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương thông tin, hệ thống siêu thị Big C đã tăng 30% lượng dự trữ hàng hóa. Big C cũng chuẩn bị hệ thống kho bãi để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường và sẵn sàng phương án điều chuyển hàng từ kho trung chuyển tại thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Ninh về Hà Nội.
Thông tin thêm về việc chuẩn bị hàng Tết, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, thành phố đã lập các tổ nắm bắt thông tin thị trường hàng hóa, tổ điều phối hàng hóa; chủ động ký kết với các đơn vị phân phối để bảo đảm nhu cầu hàng hóa cho nhân dân; hỗ trợ cung cấp danh sách 2.156 địa điểm giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ và bán lưu động khi cần thiết… Đồng thời, Hà Nội duy trì thường xuyên hoạt động của hệ thống thương mại gồm 142 siêu thị, 27 trung tâm thương mại, 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ và 11.382 trang web, sàn thương mại điện tử...
Bình ổn giá, kết nối tiêu thụ
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai sớm kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. Theo đó, thành phố đẩy mạnh đa dạng hóa mạng lưới phân phối, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi nhất; tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở sản xuất, phân phối tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; mở rộng nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Các nhóm hàng trong chương trình bình ổn thị trường, gồm: Lương thực; thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến; rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa; nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát…
Cùng với việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, thành phố cùng các doanh nghiệp phân phối cũng tiếp tục tổ chức đưa hàng hóa đến khu vực ngoại thành, khu công nghiệp; xây dựng chương trình khuyến mại phục vụ người dân có thu nhập trung bình và thấp, gắn với kích cầu tiêu dùng nội địa. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, để bảo đảm bình ổn giá theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, cũng như của riêng doanh nghiệp, Co.opmart Hà Đông đã chủ động làm việc với nhà cung cấp nhằm cung ứng đủ nhu cầu của người dân trong suốt dịp Tết; duy trì bán hàng lưu động tại vùng sâu, vùng xa.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương, Tập đoàn Central Retail liên tục triển khai các chương trình kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành phố, để đưa hàng vào hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Tổng Giám đốc Tổng công ty Hapro Vũ Thanh Sơn cũng cho hay, Hapro sẽ triển khai hàng trăm chương trình khuyến mại dịp cuối tuần nhằm thu hút người dân đến mua sắm.
Dưới góc độ cơ quan quản lý lĩnh vực công thương trên địa bàn Thủ đô, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ tổ chức hơn 30 sự kiện, hoạt động giao thương, khuyến mại tập trung, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với hơn 50 tỉnh, thành phố… Đáng chú ý, Sở Công Thương đã bố trí 28 điểm (gấp đôi số điểm thành phố yêu cầu) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương khác đưa sản phẩm đặc trưng vùng miền về tiêu thụ tại Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
“Sở Công Thương cũng tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm nạn đầu cơ, găm hàng, lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu để trục lợi, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả…; bảo đảm hàng hóa rõ nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.