Theo Tổng giám đốc TCty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) Phạm Long Trận thì khả năng cung cấp của các nhà khai thác di động Việt Nam chỉ ở mức khám phá thị trường. 5% trên hơn 80 triệu dân sử dụng điện thoại di động là quá thấp trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, con số này là 10%, Phi-líp-pin 25%.
Sản phẩm mới của các hãng ĐTDĐ liên tục có mặt trên thị trường VN, nhưng giá thuê bao liệu có giảm?
Việt Nam hiện có 4 nhà khai thác dịch vụ thông tin di động gồm: Vinaphone, Mobifone, Viettel, S-phone và 2 Cty đang triển khai là VP Phone, Hanoi Telecom. Chỉ số ARPU (Average Revenue Per Unit - doanh thu bình quân tính trên đầu người sử dụng) của Việt Nam còn quá cao. Chẳng hạn Vinaphone là 12 USD/thuê bao/tháng, Viettel là 13 USD/thuê bao/tháng.
Điều này chứng tỏ mức độ cạnh tranh của mạng di động của Việt Nam thấp và dịch vụ chưa rộng khắp. Ông Hồ Công Việt, Trưởng phòng Kinh doanh tiếp thị của Vinaphone cho biết thuê bao của hãng tăng mạnh sau nhiều đợt giảm cước từ hai năm nay, đồng thời với cước phí giảm thì chỉ số ARPU cũng giảm từ 18 USD/thuê bao/tháng năm 2002 còn 12 USD năm 2004. Phó Tổng giám đốc TCty Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trong 5 năm tới, chỉ số ARPU ở mức cho phép để nhà đầu tư có thể vừa phát triển, đổi mới công nghệ vừa chăm sóc tốt khách hàng là 8 USD/thuê bao/tháng. Tuy nhiên về lâu dài, để mạng di động cạnh tranh thực sự và người dân ở các vùng sâu, vùng xa cũng có thể hưởng lợi thì chỉ số ARPU phải là 5 USD. Hiện tại, các mạng di động chưa tối ưu hóa được các chi phí đầu tư đã làm chỉ số ARPU ở mức cao.
Mới đây, Tập đoàn viễn thông Telenor của Na Uy đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Ông Arve Johansen, Phó Chủ tịch tập đoàn cho biết kế hoạch của Telenor là trở thành một trong những cổ đông của một trong 6 nhà khai thác dịch vụ viễn thông hiện nay. Hình thức đầu tư tùy thuộc vào điều kiện hợp tác và đề xuất của phía đối tác, nhưng tập đoàn của ông không loại trừ bất cứ khả năng nào và luôn sẵn sàng hợp tác. Hiện nay, các Cty nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa được phép đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực viễn thông nhưng theo lộ trình của Hiệp định Thương mại Việt Mỹ thì năm 2006, các nhà đầu tư nước Mỹ được quyền kinh doanh các dịch vụ viễn thông cơ bản và Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường viễn thông khi gia nhập WTO. Tập đoàn Telenor đã có kinh nghiệm ở nhiều nước như: Thái Lan, Băng-la Đét, U-cra-i-na, Ma-lai-xi-a, Nga... Ông Arve cho biết Thái Lan, mặc dù còn nghèo nhưng nông dân vẫn sử dụng dịch vụ di động nhờ giá cước hợp lý. Để làm được điều đó, chính phủ đã tác động để thị trường phát triển. Việt Nam có mức thu nhập bình quân thấp hơn Thái Lan nhưng vấn đề ở đây là cần mở cửa như thế nào để thu hút đầu tư cho thị trường này phát triển rộng khắp hơn. Còn so với Băng-la Đét, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh và các điều kiện môi trường khác tốt hơn nhiều. Ông còn cho biết, trước đây, đề cập đến dịch vụ điện thoại di động tại Băng-la Đét là điều không tưởng nhưng trong vòng 5 năm, tập đoàn của ông đã đạt được 3,5 triệu thuê bao và dẫn đầu thị phần. Theo ông, để có giá cước hợp lý cho nhiều người thì phải khuyến khích cạnh tranh. Việc cạnh tranh sẽ thúc đẩy hệ thống phân phối đi rộng khắp và đến được với mọi đối tượng tiêu dùng, giá cước xuống thấp hơn và dịch vụ đến với nhiều người hơn. Mặt khác, yếu tố hàng đầu của một mạng di động là vùng phủ sóng phải rộng và chất lượng dịch vụ phải cao. Thứ hai là dịch vụ phải đến được với đông đảo khách hàng và họ chấp nhận sử dụng. Vấn đề thứ 3 là phân phối. Sự hiện diện của điện thoại di động phải có ở mọi nơi, mọi lúc và nó phải dễ tìm như mua kẹo cao su.
Các nhà khai thác dịch vụ viễn thông Việt Nam hiện đang sử dụng công nghệ GSM và CDMA. Trưởng phòng kỹ thuật của Mobifone Đỗ Vũ Anh cho biết, cuối năm nay, Mobifone sẽ chuyển sang công nghệ 3G. Hiện tại, họ đã đưa công nghệ truyền thông không dây GPRS vào thử nghiệm ở các khu vực lớn với khoảng 5.000 thuê bao. Hướng tiến tới 3G của Mobifone cũng có thể là hướng đi của các mạng GSM hiện nay. Có nghĩa là đi từ GSM lên GPRS (2,5G), tức là cao gấp 5 lần tốc độ của GSM. Sau đó tiến đến ứng dụng EDGE với tốc độ truyền dữ liệu đạt tới 384 Kbps.
Trong khi Việt Nam công bố đến năm 2010 sẽ cố gắng đạt được 20 triệu thuê bao di động thì các tổ chức nước ngoài dự báo lạc quan hơn nhiều. Tổ chức tư vấn RJB, đánh giá Việt Nam sẽ đạt 20-25 triệu thuê bao vào các năm 2008-2010. Như vậy trong vòng 5 năm tới, mỗi năm Việt Nam sẽ tăng trung bình 4 triệu thuê bao di động, mức phát triển thuộc hàng cao nhất thế giới. Thế nhưng dù là thuê bao ở con số nào đi chăng nữa thì với người sử dụng điều họ quan tâm không chỉ là chất lượng tốt, dịch vụ đa dạng mà họ còn quan tâm đến giá. ở các nước có công nghệ viễn thông phát triển chỉ số ARPU tối thiểu là 3 USD. Còn ở Việt Nam bao giờ thì chỉ số ARPU là 5 USD ?
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.