(HNM) - Ùn tắc, tai nạn giao thông luôn song hành và chưa bao giờ là vấn đề dễ giải quyết, đặc biệt ở những đô thị lớn. Nhưng với sự đầu tư đồng bộ cùng hành động quyết liệt, năm 2018, tai nạn giao thông ở Hà Nội đã giảm trên cả 3 tiêu chí, nhiều điểm đen về ùn tắc từng bước được hóa giải.
Là địa phương có giao thông phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp sự gia tăng của các loại phương tiện nên Hà Nội luôn đối mặt với ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông. Trong khi dân số cơ học ở Thủ đô luôn tăng qua từng năm thì quỹ đất dành cho giao thông lại chưa tương xứng khiến không ít con đường nội đô thường rơi vào tình trạng quá tải… Nhưng trong cái khó ấy, Hà Nội đã có những giải pháp đồng bộ và thiết thực nên tình hình giao thông dần được cải thiện, giúp người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.
Tiếp nối các dự án phát triển hạ tầng những năm trước, năm 2018, nhiều tuyến phố được điều chỉnh, mở rộng... đã tăng sự liên thông, kết nối của toàn mạng lưới, giúp giảm áp lực cho giao thông nội đô và những tuyến đường xuyên tâm. Hà Nội cũng triển khai nhiều giải pháp như xóa vùng trắng xe buýt; điều chỉnh tổ chức giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm...
Rõ ràng, nâng cao năng lực giao thông luôn là đòi hỏi cấp thiết để mang lại diện mạo mới cho Thủ đô, góp phần giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và là điều kiện quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được những mục tiêu này, các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn thành phố cần thực hiện những giải pháp mang tính tổng thể cùng sự ủng hộ thực chất, hiệu quả của người dân. Trong đó, trước mắt cần thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 234/KH-UBND ngày 24-12-2018 của UBND TP Hà Nội nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố năm 2019. Về lâu dài là thực hiện hiệu quả các đề án quan trọng đã được HĐND TP Hà Nội thông qua vào năm 2018 như: “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Đề án thành lập Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng (PTA); Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông; Quy chế quản lý taxi…
Thực tế cho thấy, áp lực về tai nạn, ùn tắc giao thông đã và sẽ xảy ra trong cả ngắn, dài hạn nên tùy thời điểm cần có giải pháp ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm nhưng phải bảo đảm tính xuyên suốt. Theo kế hoạch, năm 2019, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ đi vào hoạt động nên các cấp, ngành chức năng cần ưu tiên việc đấu nối tuyến này với hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện có. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu phân vùng hạn chế hoạt động xe máy phù hợp với năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng giao thông. Một việc quan trọng nữa là, cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu phương án hạn chế hơn nữa phương tiện cá nhân thông qua các biện pháp hành chính, kinh tế đã, đang triển khai hiệu quả trên địa bàn Thủ đô như thu phí đỗ xe; ứng dụng công nghệ trong quản lý đỗ xe thông minh; tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông...
Hệ thống hạ tầng đi trước một bước là tiền đề quan trọng để giảm ùn tắc, kìm chế tai nạn giao thông, song các tồn tại như lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, "chợ cóc", chợ tạm cũng phải được xử lý triệt để.
Trong khi những kế hoạch lớn như di dời cơ sở sản xuất, nhà máy, trường học... ra khỏi nội đô hay mở những tuyến đường mới trong quy hoạch cần có thời gian thì việc thiết thực nhất lúc này với mỗi người dân là nâng cao ý thức khi tham gia giao thông... Mỗi tổ chức, cá nhân thêm trách nhiệm với cộng đồng, sẽ góp phần giữ gìn an toàn cho giao thông Thủ đô, tạo nên hiệu quả lâu dài và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.