(HNM) - Có tiếng là “nữ tướng” làng chèo, năng động, dám nghĩ, dám làm, NSND Trịnh Thúy Mùi giờ đã rời cương vị Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. Không chọn lui về dành trọn thời gian cho bản thân và gia đình, bà tiếp tục nhận trọng trách mới, làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
NSND Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội (Ảnh: NVCC) |
- Lại thêm một công việc khó và phạm vi rộng hơn bộ môn chèo sở trường, động lực nào giúp bà đảm nhận cương vị này?
- Ở tuổi hưu nhưng tình yêu với sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống trong tôi vẫn tràn đầy như ngày thanh xuân. Mình còn sức cống hiến, lại có kinh nghiệm thì không ngại ngần đóng góp cho sân khấu truyền thống phát triển hơn. Đúng là đảm nhận cương vị này khá khó khăn. Trung tâm không được bao cấp kinh phí, cả nhân viên và lãnh đạo đều phải tự “bơi”. Nhưng chính vì thế mà chúng tôi không chịu nhiều áp lực. Với bản thân tôi, đó còn là động lực để mình tự do thực hiện những ý tưởng, chương trình biểu diễn nhằm kéo khán giả đến với sân khấu.
- Mọi người vẫn còn nhớ người phụ nữ có những quyết định làm sống động sân khấu chèo Thủ đô nhiều năm qua. Hẳn bà vẫn tiếp tục đem tính cách ấy vào công việc mới?
- Con người tôi là vậy, bề ngoài mỏng manh nhưng hành động mạnh mẽ, quyết liệt. Khi nhận trọng trách mới do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam giao phó, tôi nghĩ rằng mình phải làm đúng công việc của người tham gia công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống. Muốn giữ gìn và phát huy thì cách tốt nhất là tạo thêm không gian cho nghệ thuật tiếp cận với khán giả.
- Vậy bà đã có những kế hoạch gì cho sân khấu truyền thống?
- Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện hai dự án. Đầu tiên là phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị lữ hành tổ chức biểu diễn, giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống tại làng nghề và di tích trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi đã thí điểm biểu diễn các loại hình diễn xướng như cải lương, chèo, chầu văn, ca trù… miễn phí tại làng lụa Vạn Phúc và làng gốm sứ Bát Tràng vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Các buổi diễn được người dân và du khách quan tâm. Đại diện các làng nghề cũng ủng hộ hoạt động này. Sau thời gian thí điểm, khi du khách đã có thói quen đến thưởng thức, Trung tâm sẽ phối hợp với các làng nghề thực hiện xã hội hóa sân khấu biểu diễn và mở rộng ra nhiều địa điểm khác, vừa góp sức làm lan tỏa nghệ thuật truyền thống vừa tạo thêm thu nhập cho nghệ sĩ, nghệ nhân.
Dự án thứ hai của Trung tâm là số hóa tư liệu, chân dung các nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu. Bảo tồn sân khấu không chỉ liên quan tới các tác phẩm mà còn phải trân trọng những tài năng đã, đang đóng góp cho sân khấu. Việc làm này cũng giúp cho các nghệ sĩ trẻ dễ dàng tiếp cận với thế hệ đi trước để học hỏi, tạo động lực phấn đấu. Hiện Trung tâm đã tập hợp được khối lượng băng đĩa, hình ảnh khá lớn do các nghệ sĩ, lãnh đạo tiền nhiệm để lại. Kho tư liệu này còn được sử dụng để hỗ trợ cho các dự án của Trung tâm như chương trình tôn vinh nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu, rồi trưng bày giới thiệu với người dân và du khách… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn xây dựng một trung tâm dành cho các nghệ sĩ sân khấu cao tuổi, không nơi nương tựa tại Hà Nội; mở rộng giới thiệu các loại hình sân khấu ở ba miền... Tuy nhiên, những công việc này phải triển khai dần dần.
- Các chương trình biểu diễn sân khấu dài hơi như vậy cần nguồn nhân lực nhất định, mà trong tay không có “quân” thì làm sao thực hiện được, thưa bà?
- Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật truyền thống của trung ương và Hà Nội để tổ chức biểu diễn thật chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ đã nghỉ hưu còn tâm huyết với nghề và còn sức lực cống hiến đã được mời đồng hành trong những chương trình này. Ngoài ra, chúng tôi tạo điều kiện cho sinh viên những năm cuối của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội tham gia biểu diễn cùng những nghệ sĩ thành danh, để các em học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
- Hoạt động sân khấu lâu nay luôn gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả, điều gì khiến bà tự tin với những chương trình, dự án biểu diễn mới?
- Nhiều năm làm nghề tôi thấy rằng, sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, chầu văn, ca trù, múa rối… thực sự có sức hấp dẫn không chỉ với du khách quốc tế mà với mỗi người dân Việt Nam. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để tạo được sợi dây kết nối khán giả với sân khấu. Nếu ca nhạc là nghe nhiều thì sân khấu là nhìn nhiều. Sân khấu truyền thống đậm nét tinh túy và có tính đặc thù nhất định, càng gần gũi, càng tiếp cận trực diện thì càng dễ yêu mến. Các chương trình mà chúng tôi thực hiện và muốn tìm khán giả đều diễn ra ở không gian vừa vặn, ấm cúng.
Tôi cũng có ý tưởng xây dựng một sân khấu truyền thống tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Đây vốn là “mái nhà chung” của giới văn nghệ sĩ, nếu có thể trở thành một địa chỉ biểu diễn thường xuyên, điểm hẹn cho những người yêu sân khấu truyền thống, là nơi tổ chức các chương trình tôn vinh nghệ sĩ tiêu biểu thì chắc chắn sẽ thu hút đông đảo khán giả. Tôi nghĩ, hoạt động này cũng tạo mối liên kết chặt chẽ, thân thiết trong giới văn nghệ sĩ, đồng thời truyền lửa cho thế hệ trẻ.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.