(HNM) - Sau nhiều bài viết xuất hiện dồn dập, thậm chí sau cuộc trả lời phỏng vấn của những cán bộ đang đảm trách công việc này, cuối cùng Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ yêu cầu bắt đầu từ hôm nay 30-9 phải tổ chức kiểm tra, thanh tra về người nước ngoài đang làm việc tại tất cả các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài.
Câu chuyện các gói thầu, hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đang thực hiện tại Việt Nam, nếu xét trong quá trình phát triển, cũng là điều bình thường không chỉ với những nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như nước ta. Ngay cả chuyện trong từng gói thầu, dự án ấy, các chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp nước ngoài phải có mặt để điều hành, kiểm tra, giám sát, thẩm định cũng là việc bình thường theo thông lệ quốc tế.
Có điều, với khá nhiều công trình, dự án, trong đó có không ít gói thầu hoặc dự án do nhà thầu nước ngoài thắng thầu tại Việt Nam, chuyện trục trặc kỹ thuật đủ kiểu lại xảy ra như cơm bữa.
Không bàn đến chuyện vì sao nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài lại thắng thầu nhiều gói thầu EPC; để rồi chính từ các gói thầu, dự án ấy, chuyện nhập thiết bị không đồng bộ, chuyện chậm tiến độ trong thi công, bàn giao… không chỉ làm đau đầu các cơ quan chức năng mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Chỉ khó hiểu ở chỗ, người kêu cứ kêu, người phản biện cứ phản biện, nhưng các gói thầu, dự án mới lại tiếp tục lao vào vòng xoáy đấu thầu, trúng thầu và… lặp lại sự cố khá đặc biệt này?
Theo các con số thống kê chưa đầy đủ, hiện có tới hơn 70.000 lao động người nước ngoài có mặt tại đủ mọi loại công trình rải từ cực Bắc đến cực Nam của nước ta. Đáng chú ý trong số đó, lực lượng lao động phổ thông trẻ, khỏe nhưng không có chuyên môn về lĩnh vực đang thi công lại chiếm con số áp đảo.
Đừng trách các nhà thầu khi họ đã bằng mọi giá để thắng thầu, chả lẽ họ lại không thể hiểu nổi việc tiếp theo là gì? Bởi, họ chỉ cần nhìn rộng ra các lĩnh vực khác (không hề có một yếu tố ràng buộc nào như kiểu các gói thầu, dự án), mà công dân nước họ còn tung hoành ngang dọc như giữa chốn không người để vét từng lạng tôm, cân cà phê, quả dừa… thì việc trên một công trình xây dựng do họ thắng thầu, vài trăm chứ cả ngàn lao động phổ thông họ có thể mang vào, không phải chuyện quá khó. Có lẽ, chưa bao giờ công tác quản lý người nước ngoài vào Việt Nam theo đủ đường lại "cởi mở" như hiện nay. Sự cởi mở ấy trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, cởi mở không có nghĩa là buông lỏng.
Công văn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi lãnh đạo UBND các tỉnh TP trực thuộc TƯ chỉ là bước đi đầu trong việc chấn chỉnh lại công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Yêu cầu ấy có được đáp ứng đầy đủ và nghiêm túc hay không lại xuất phát từ nhận thức về một vấn đề không nhỏ của đất nước; để cũng chính từ đó, lãnh đạo các tỉnh, TP ý thức hơn trách nhiệm của mình trước một thực trạng không hề đơn giản. Rồi sẽ có những bước đi tiếp theo, bởi không chỉ với nước ta, mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải có luật lệ để giữ cho được ổn định xã hội trên mọi lĩnh vực.
Đừng để người lao động nước ta mất hết quyền lao động trên chính quê hương mình. Liệu chuyện này có đem lại thêm một bài học về công tác quản lý?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.