(HNM) - Trung tuần tháng 9 này, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ (LLPB VHNT) sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ các nhà lý luận, phê bình trẻ tại Hà Nội. Nhân dịp này, Hànộimới có cuộc trao đổi với một cây bút thế hệ 8X - nhà lý luận phê bình trẻ Ngô Hương Giang (hiện công tác tại Tạp chí Nhà văn) quanh lĩnh vực này.
Nhà lý luận phê bình Ngô Hương Giang. |
- Hội đồng LLPB VHNT đang chuẩn bị một cuộc gặp gỡ các nhà lý luận, phê bình trẻ. Anh nghĩ gì về điều này?
- Cuộc gặp gỡ này, theo tôi, đáng lẽ cần tổ chức từ lâu, chứ không phải bây giờ mới diễn ra. Vì phê bình văn học của chúng ta đã “ngủ quên” khá lâu trong lòng xã hội. Việc Hội đồng LLPB VHNT TƯ tổ chức buổi gặp mặt các tác giả làm lý luận phê bình trẻ là việc làm hợp lý, nhằm động viên, phát hiện và bồi dưỡng những cây viết lý luận phê bình trẻ trong giai đoạn đương đại của văn học.
- Nếu như có một điều băn khoăn nhất cần phải nói về công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện nay, anh sẽ chọn điều gì để nói?
- Điều tôi băn khoăn nhất đối với nền lý luận, phê bình văn học của chúng ta hiện nay là sự trung thực và tinh thần trách nhiệm xã hội của người làm nghề. Sự trung thực làm nên giá trị tác phẩm phê bình, nhưng tinh thần trách nhiệm xã hội mới giúp làm mạnh nền phê bình của một quốc gia. Một nền phê bình văn học mà thiếu những nhà phê bình có tài, được đào tạo cơ bản và dửng dưng với các hiện tượng suy thoái đạo đức xã hội, thì nền phê bình ấy không được xem là tiến bộ.
- Công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật lâu nay thường bị đánh giá chung bằng hai từ “thiếu và yếu”. Trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng VHNT trong thời kỳ mới cũng khẳng định công tác này đang rất hạn chế. Tuy nhiên, những năm gần đây, có một lực lượng các nhà lý luận phê bình trẻ (lứa 7X, 8X...) vẫn đang nặng lòng với nghề. Chỉ có điều, vẻ như họ chưa hợp thành một lực lượng đủ tạo nên những hoạt động nghề nghiệp có tiếng vang...?
- Đúng là giữa thực trạng lý luận phê bình “yếu và thiếu” như ở ta hiện nay, vẫn có một thế hệ các tác giả viết phê bình trẻ đang âm thầm sáng tạo và hoạt động sôi nổi trong nghề của mình. Phần lớn những nhà phê bình trẻ ấy thuộc thế hệ 7X và 8X, với đội ngũ làm công tác lý luận như Đỗ Văn Hiểu, Trần Ngọc Hiếu, Hoàng Phong Tuấn, Đinh Hồng Hải, Đinh Hồng Phúc… cùng đội ngũ làm công tác phê bình như: Trần Thiện Khanh, Đoàn Minh Tâm, Hoàng Thụy Anh, Phan Tuấn Anh, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thanh Tâm… Họ là những người nhạy cảm trước hiện thực thông tin văn học, có trí tuệ và thường là những người được đào tạo bài bản về lý luận phê bình văn học; năng động trong việc tiếp nhận các khuynh hướng phê bình trên thế giới; biết đặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách sắc sảo, biện chứng; có trình độ ngoại ngữ tốt; có đam mê và biết theo đuổi đam mê…
Tuy nhiên đội ngũ làm lý luận và phê bình ấy vẫn còn viết trong tình trạng độc lập, chưa thực sự liên kết thành một trường phái, học phái có tính hội đoàn. Theo tôi có lẽ vì những nguyên nhân sau: Định kiến trong mối quan hệ phê bình giữa thế hệ phê bình trưởng thành và đội ngũ phê bình trẻ vẫn trong tình trạng kéo dài. Nơi thể nghiệm của lý luận phê bình trẻ còn hạn chế, chỉ một số tạp chí và báo quen thuộc, mang tính cục bộ; thiếu sự hỗ trợ về kinh phí trong việc ấn hành các tác phẩm phê bình của tác giả trẻ. Chưa kể còn thiếu cả các diễn đàn khoa học, tranh luận đúng nghĩa để các tác giả lý luận phê bình trẻ được thể nghiệm. Cuối cùng là tình trạng khủng hoảng trong việc chọn đường hướng nghiên cứu, phê bình của các tác giả trẻ.
- Anh từng nói: sự nhập nhằng giữa phê bình văn học và bình luận văn học đã đẩy phê bình văn học Việt Nam vào thăng trầm, bất... định. Phải chăng, cũng nên đặt lại câu hỏi rằng các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp đi đâu, nhất là trước những hiện tượng mới của đời sống văn học, cần đến sự định hướng dư luận?
- Vâng. Đó là hạn chế của nền phê bình chúng ta. Nhưng theo tôi, các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp không chạy trốn hay vô cảm trước “những hiện tượng mới của đời sống văn học, cần đến sự định hướng dư luận”, mà vẫn có một đội ngũ các tác giả làm phê bình lặng lẽ đi vào khảo cứu và giới thiệu lý thuyết nước ngoài, để từ đó xác lập nhận thức luận phù hợp với thực trạng văn học.
Mặt khác, nền kinh tế thị trường cũng tác động không nhỏ đến thực tiễn phê bình của các nhà phê bình chuyên nghiệp. Để viết một bài phê bình chững chạc và đúng lương tâm, thì nhà phê bình chuyên nghiệp phải mất một tháng mới hoàn thành tác phẩm của mình. Tuy nhiên, họ viết mà dường như “không công”. Nhuận bút của một bài phê bình nghiêm cẩn được trả không bằng một phần ba nhuận bút của một bài viết tản mạn trên các nhật báo, thì một số nhà phê bình phải chuyển dần từ làm phê bình chuyên nghiệp sang viết báo hoặc các nghề khác để mưu sinh. Nhưng cũng chính nhờ nền kinh tế thị trường đã tạo ra “ngọn lửa” thử “lập trường” trí thức của những nhà phê bình chân chính. Tôi tin rằng, còn nhiều nhà phê bình nghiêm túc vẫn nặng lòng với trách nhiệm định hướng thẩm mỹ bạn đọc của mình. họ không bao giờ thờ ơ trước những hiện tượng nổi cộm của đạo đức xã hội và của văn học, vì tư tưởng của họ quy định số phận, bổn phận bên trong con người họ.
- Xin hỏi anh câu cuối, công việc của một nhà lý luận phê bình văn học có ý nghĩa thế nào với cuộc sống cá nhân anh hiện nay?
- Cuộc đời con người là một hành trình ý thức: nhận thức thế giới và sáng tạo thế giới. Hành trình ý thức ấy quy định bản chất cũng như giá trị con người. Với tôi cũng thế, nhận thức luận văn học quy định bản chất con người tôi. Dù rằng, sẽ có những lúc mệt mỏi, nhưng tôi sẽ vẫn phải bước đi.
- Xin cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.