(HNM) - Năm 2020 đã trở thành cột mốc sẽ còn được gợi nhắc rất nhiều trong lịch sử thế giới cùng với nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: Một năm “đầy thách thức, bi kịch và nước mắt”. Song chính những khó khăn chưa từng có trong suốt một năm biến động vừa qua lại là "phép thử" quan trọng đối với các giá trị chung của nhân loại để hướng tới ánh sáng của niềm hy vọng.
Cách đây đúng một năm, cả thế giới hân hoan bước vào những thời khắc đầu tiên của năm 2020, tràn đầy hứa hẹn. Nhưng tất cả đã bị đảo lộn khi “cơn sóng thần” Covid-19 ập đến, quét qua mọi ngõ ngách trên hành tinh và buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải công bố đại dịch với mức cảnh báo y tế cao nhất. Kể từ khi được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối tháng 12-2019, sau một năm, đã có hơn 83 triệu ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và hơn 1,8 triệu người tử vong trên toàn cầu.
Từ sự lúng túng ban đầu, các quốc gia ráo riết áp đặt những biện pháp chưa từng có và huy động nguồn lực to lớn với mong muốn làm chậm lại tốc độ lây lan chóng mặt của dịch bệnh trong khi chờ đợi vắc xin và phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả. Các lệnh hạn chế, phong tỏa để ứng phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã khiến kinh tế chao đảo, thương mại đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới, tình trạng thất nghiệp tăng vọt, các sự kiện quan trọng phải tạm hoãn, thu hẹp quy mô tổ chức hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến. Mức độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 bị kéo lùi khoảng 5-7% so với mức tăng trưởng trung bình của các năm trước và sẽ cần ít nhất 2-3 năm để khôi phục lại nhịp độ tăng trưởng như trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Theo báo cáo thường niên của Google, “coronavirus” là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2020, cùng với đó là các thông tin cập nhật về diễn biến dịch bệnh. Những kết quả khả quan trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin ngừa Covid-19 thời gian qua thắp lên niềm hy vọng trong cuộc chiến đầy cam go này. Vắc xin đã bắt đầu được đưa vào sử dụng, song cần thời gian để triển khai tiêm chủng đại trà và những nước nghèo vẫn không dễ tiếp cận. Các nhà lãnh đạo trên thế giới liên tục kêu gọi phân phối công bằng và hiệu quả vắc xin ngừa Covid-19 cho tất cả mọi người. Dịch bệnh buộc con người giữ khoảng cách do các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng cũng nhắc nhở họ cần xích lại gần nhau thông qua những nỗ lực chia sẻ, hợp tác.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có (kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930) khi trở thành điểm nóng dịch Covid-19 hàng đầu, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã trở thành sự kiện được quan tâm đặc biệt. Sự kiện phá vỡ nhiều kỷ lục về chi phí, số cử tri bỏ phiếu dưới nhiều hình thức cùng những tranh cãi pháp lý dai dẳng sau ngày bầu cử 3-11-2020 dù kết quả kiểm phiếu cho thấy chiến thắng đã thuộc về ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ. Một tiến trình cũng gay cấn không kém trong năm 2020 và chỉ được hoàn tất vào thời hạn chót, đó là cuộc đàm phán về một thỏa thuận lịch sử định hình mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau khi xứ Sương mù rời mái nhà chung.
Cho dù cùng đối mặt với “kẻ thù” Covid-19 nhưng không vì thế mà các điểm nóng xung đột, cạnh tranh chính trị và chiến lược trên khắp thế giới bớt căng thẳng. Ngay từ đầu năm 2020, chảo lửa Trung Đông rơi vào tình trạng lo sợ về một cuộc chiến tranh "nóng" có thể bùng phát sau khi Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng trong một vụ không kích do Mỹ tiến hành tại Iran. Nỗ lực hòa bình tại Đông Bắc Á đi vào bế tắc khi Triều Tiên bất ngờ phá hủy văn phòng liên lạc chung, một trong những biểu tượng cho mối quan hệ liên Triều. Tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tại Đông Địa Trung Hải có nguy cơ leo thang khi hai nước tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự tại khu vực. Cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập kỷ giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh tái bùng phát với các cuộc đụng độ vũ trang ác liệt...
Tuy nhiên, giữa nhiều rối ren của tình hình thế giới, những điểm sáng thể hiện xu thế hợp tác, hòa giải được ghi nhận.
Thỏa thuận giữa Mỹ và lực lượng Taliban tại Afghanistan được ký kết mở ra triển vọng hòa bình lâu dài cho cuộc xung đột triền miên ở quốc gia Trung Đông này. Lộ trình tìm kiếm hòa bình cho Libya sau 9 năm nội chiến ghi nhận cột mốc mới tại cuộc đàm phán “Đối thoại Libya” nhằm duy trì ngừng bắn để giải quyết bất đồng giữa các phe đối địch. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan do Việt Nam chủ trì, 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau chặng đường hơn 8 năm đàm phán ròng rã, khẳng định thương mại tự do, bình đẳng và đa phương là xu hướng tất yếu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ trỗi dậy…
Trong tuyên bố nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Liên hợp quốc đã khẳng định các thách thức của thế giới chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững. Sau phép thử quan trọng của năm 2020, năm 2021 được kỳ vọng là thời điểm của sự hàn gắn, không chỉ với đại dịch Covid-19 mà còn đối với những thách thức chung của nhân loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.