Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể Công khó thoát hiểm

THUHANG| 22/03/2004 08:30

Thể Công không thể thoát hiểm nếu hàng tiền đạo cứ chơi như bây giờ. Cho đến vòng đấu thứ 9 của Giải VĐQG 2004, đội chỉ ghi được 4 bàn thắng, chưa đến 0,5 bàn/trận. Trong đó, tiền đạo ghi được 2 bàn, một con số thê thảm khiến các HLV ngao ngán và xấu hổ. Trong bóng đá, giải quyết chuyện thắng thua đa phần là do hàng tiền đạo. Nếu tiền đạo cứ đá như vậy, Thể Công không thể thoát khỏi “vùng xoáy”.

Các cầu thủ Thể Công sẽ phải cố gắng nhiều để không thất bại trong mùa bóng 2004

Thể Công không thể thoát hiểm nếu hàng tiền đạo cứ chơi như bây giờ. Cho đến vòng đấu thứ 9 của Giải VĐQG 2004, đội chỉ ghi được 4 bàn thắng, chưa đến 0,5 bàn/trận. Trong đó, tiền đạo ghi được 2 bàn, một con số thê thảm khiến các HLV ngao ngán và xấu hổ. Trong bóng đá, giải quyết chuyện thắng thua đa phần là do hàng tiền đạo. Nếu tiền đạo cứ đá như vậy, Thể Công không thể thoát khỏi “vùng xoáy”.

Đội bóng khoác áo lính có 2 tiền đạo cựu binh là Đặng Phương Nam (10) và Thạch Bảo Khanh (11). Họ luôn đóng vai chính trong các trận đấu. Tiền đạo thứ 3 là cầu thủ thuận chân trái Lưu Tuấn Phi, 22 tuổi (17). Trước ngày khai mạc giải, đội còn chiêu mộ được 1 tiền đạo của đội hạng nhất Thanh Hóa là Nguyễn Đình Quý (9). Với 4 tiền đạo này, HLV Phan Văn Mỵ và Nguyễn Thanh Hải loay hoay sắp xếp mãi mà vẫn không tìm được 1 cặp tiền đạo ưng ý. Phương Nam - Bảo Khanh, Phương Nam - Đình Quý, Phương Nam - Việt Hoàng, các cặp “xoay tua” liên tục mà vẫn không có hiệu quả. Có thể nói, tiền đạo chính là nguyên nhân dẫn đến “bệnh đau đầu” trường kỳ của các HLV Thể Công.

Ngay cả cặp tiền đạo được coi là ổn định nhất của Thể Công Phương Nam - Bảo Khanh cũng có vấn đề. Phương Nam quá sa sút, hiệu suất tụt xuống dưới vạch trung bình, được khán giả gọi là “Inzaghi Việt Nam” vì thường xuyên việt vị. Thạch Bảo Khanh cũng không khá hơn, thỉnh thoảng lóe sáng rồi lại tắt. Đáng buồn là cả 2 cầu thủ này đều được HLV trưởng đội tuyển quốc gia Nguyễn Thành Vinh đưa vào danh sách 38 cầu thủ tham gia vòng loại World Cup 2006. ở CLB, không làm nên chuyện, liệu họ sẽ làm gì hơn trong màu áo quốc gia.

Tiền vệ cũng là tuyến yếu của Thể Công vì không có con chim đầu đàn. Người thay thế Hồng Sơn là Trương Việt Hoàng (7) cũng mờ nhạt như Phương Nam và Bảo Khanh. Việt Hoàng không đủ khả năng dẫn dắt lối chơi, xốc lại hàng ngũ, thậm chí bị HLV thay ra giữa chừng vì không hoàn thành nhiệm vụ cá nhân. Không có Hồng Sơn, lối chơi của Thể Công trở nên rối rắm, bế tắc. Tiền vệ Trần Anh Tuấn (16) tuy bước sang tuổi chín về chuyên môn (24 tuổi) nhưng chơi kém xa ngày ở tuổi 21-22. Nguyễn Văn Nam (24) và Phạm Ngọc Tuấn (14) lại quá non, sự xông pha có thừa nhưng thiếu kinh nghiệm thi đấu. Khu vực giữa sân (hàng tiền vệ) luôn là trung tâm của trận đấu. Với hàng tiền vệ tốt, đội bóng có thể làm chủ được thế trận. Cứ đó mà suy, Thể Công khó là phải. Không áp đặt được đối thủ, thiếu đột biến, không sáng tạo...là “thuộc tính” của tiền vệ đội Thể Công hôm nay.

Hàng phòng thủ của Thể Công được coi là khá hơn cả vì sau 9 trận đấu, chỉ mới để lọt lưới 13 bàn. Thể Công, NHĐA, Delta-Đồng Tháp có hiệu số bàn thắng - thua “âm” nhưng Thể Công là đội “âm” nhiều nhất (4-13). Rõ ràng những người đưa đội bóng Quân đội đến thế nan giải là các cầu thủ tiền đạo, sau đến tiền vệ. Không đưa được bóng vào lưới đối phương thì dù hàng phòng ngự có để lọt lưới ít, kết quả vẫn cứ là thua.

Cái khó của Thể Công là không tìm đâu được các tiền đạo tốt hơn để đăng ký bổ sung trong giai đoạn 2 bởi cơ chế của họ không cho phép sử dụng cầu thủ ngoại. Các HLV đành chấp nhận tình trạng “giật gấu vá vai” theo kiểu “xoay tua”. Thể Công khó thoát khỏi “cửa tử” khi hàng công không được cải thiện.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể Công khó thoát hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.