(HNM) - Năm 2021, Sở Tư pháp Hà Nội xác định sẽ thực hiện một cách toàn diện nhiệm vụ công tác tư pháp. Trong đó, tập trung cao độ hoàn thiện thể chế, theo phương châm “thể chế phải đi trước một bước”, mở đường cho các đột phá về phát triển kinh tế - xã hội...
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, năm 2020, công tác tư pháp được triển khai thống nhất, đồng bộ trên tất cả lĩnh vực, đồng thời tăng cường hỗ trợ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là những vấn đề về pháp lý, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Cùng với đó, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện tốt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính cũng là thế mạnh. Trong quý II-2020, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp trên địa bàn thành phố đã được xây dựng, đưa vào vận hành thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo kế hoạch, được người dân tiếp nhận, ủng hộ cao, nhất là lĩnh vực hộ tịch.
Trên cơ sở chủ đề công tác năm 2021 của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, năm nay, Sở Tư pháp Hà Nội xác định sẽ thực hiện toàn diện nhiệm vụ công tác tư pháp. Trong đó, tập trung cao độ việc hoàn thiện thể chế. Theo hướng đi này, Sở sẽ đẩy mạnh xã hội hóa việc phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Chuẩn bị đủ điều kiện để thực hiện thí điểm ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp phường ký chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường.
Đối với Luật Thủ đô, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tổng kết, đánh giá, nhìn nhận toàn diện việc thi hành, qua đó nhận diện khó khăn, đề xuất điều chỉnh phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị, bởi đây là một nội dung quan trọng trong 3 khâu đột phá để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn thống nhất với nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Sở Tư pháp.
Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, thể chế đi trước, sẽ mở đường cho các đột phá kinh tế - xã hội. Trên tinh thần đó, công tác tư pháp của thành phố phải quán triệt sâu sắc định hướng này, phải nghiên cứu, đề xuất, xác định lĩnh vực, vấn đề ưu tiên hoàn thiện thể chế để chủ động tham mưu thành phố hoặc đề xuất với Trung ương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó tháo gỡ các vướng mắc. Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm nghiên cứu sửa Luật Thủ đô, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và thành phố để thi hành Luật Thủ đô, cần thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy đầu tư phát triển, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
“Đây là những cơ sở, tiền đề quan trọng để Thủ đô có hệ thống thể chế thông thoáng, hiệu lực, nâng cao hiệu quả quản trị, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển nhanh, bền vững”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.