Góc nhìn

Thể chế đi trước mở đường cho phát triển

Chí Kiên 03/08/2024 - 06:26

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã xác định rõ quan điểm, định hướng và giải pháp có tính chiến lược là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có vai trò quan trọng đi trước, mở đường cho đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo.

Trên tinh thần đó, các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Nổi bật là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã họp, cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua trên 60 luật, nghị quyết…

Vấn đề đáng quan tâm là trong những văn bản luật kể trên, nhiều bản dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động trên diện rộng nhưng hầu hết được chuẩn bị bảo đảm chất lượng, đúng quy trình, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước đang đặt ra.

Điểm đáng chú ý phải kể đến là tại những kỳ họp Quốc hội gần đây, có những dự án luật đã được Chính phủ đề xuất soạn thảo theo thủ tục rút gọn với sự quyết tâm cao nhằm đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực, sớm đưa quy định mới của luật vào cuộc sống. Điển hình là 3 bộ luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đồng loạt có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 vừa qua, đã đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Xét ở mọi khía cạnh, hệ thống các luật này sẽ tác động tích cực đến việc kinh doanh bất động sản, tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực cho chủ thể trong xã hội, từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng, thậm chí cả nhà đầu tư nước ngoài hay cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài. Với ý nghĩa đó, dòng chảy mới cho thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ và lành mạnh hơn trong thời gian tới nhờ một hệ thống thể chế chặt chẽ, đầy đủ.

Không riêng lĩnh vực bất động sản, nội dung các văn bản luật được cấp thẩm quyền thông qua đều bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, với nhiều chính sách mới, quan trọng, có tác động tích cực đến những lĩnh vực quan trọng của đất nước. Cụ thể như: Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội có Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…; thúc đẩy sự phát triển kinh tế gắn với chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bền vững có Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đấu giá tài sản, Luật Các tổ chức tín dụng…; thể chế hóa kịp thời một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại có Luật Đường bộ…

Đặc biệt, ở tầm địa phương, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý với các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho một số tỉnh, thành phố được đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện qua các văn bản luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua như Luật Thủ đô, các nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách phát triển đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An…

Song song với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, công tác thi hành pháp luật rất được chú trọng. Sau khi các bộ luật được thông qua, các cơ quan chức năng đã khẩn trương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết; đồng thời chủ động rà soát, lập danh mục văn bản quy định chi tiết để trình cấp có thẩm quyền ban hành, sớm đưa các luật đi vào cuộc sống.

Phải khẳng định, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và việc thi hành pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước, là một trong ba đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng ta. Khẳng định rõ thêm vai trò này, tại hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV được Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 30-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, phục vụ nhân dân và các yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Như vậy, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế là liên tục, thường xuyên và trên tinh thần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; từ đó khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Quá trình này, bên cạnh phát huy những thế mạnh, cần khắc phục những điểm còn hạn chế về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn qua nhiều tầng nấc; công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương; còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao…

Xây dựng và hoàn thiện thể chế; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thể chế đi trước mở đường cho phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.