Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thẻ căn cước - căn cứ bảo đảm quyền công dân

Hà Phong| 22/04/2014 06:33

(HNM) - Nếu được thông qua tại kỳ họp cuối năm thì luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015 với phạm vi điều chỉnh rộng, cụ thể hóa một số quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.


Quán triệt nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư

Về nguyên tắc, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp có hiệu lực trực tiếp phải thi hành ngay từ 1-1-2014. Nhưng để Hiến pháp đi vào cuộc sống, cần có các quy định trình tự, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện các quyền con người. Thể chế hóa quan điểm này, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Luật Căn cước công dân theo hướng bảo đảm quyền con người đã quy định trong Hiến pháp.

Dùng thẻ căn cước công dân, người dân sẽ không phải đến cơ quan công quyền làm những thủ tục liên quan.Ảnh: Ngân Hạ



Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, căn cước công dân sẽ là các thông tin cơ bản về đặc điểm nhận dạng của mỗi người, để làm rõ quốc tịch, xác định chính xác một người cụ thể và phân biệt người này với người khác liên quan trực tiếp đến quyền đi lại, thực hiện các giao dịch trong đời sống, quyền được bảo vệ và tôn trọng bí mật đời tư... Khi luật có hiệu lực, Bộ Công an chịu trách nhiệm thu thập, cập nhật kịp thời, quản lý chặt chẽ các dữ liệu vào thẻ chứng minh nhân dân, bảo đảm làm nhanh, bền, đẹp, chống làm giả. Để đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số chứng minh nhân dân được quy định là số định danh cá nhân xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên và không lặp lại ở người khác. Đây sẽ được coi là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người dân để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, Bộ Công an sẽ tính đến tích hợp với các loại giấy tờ khác thành thẻ căn cước công dân, tiến tới bỏ bớt các giấy tờ tùy thân, bỏ sổ hộ khẩu. Để bảo đảm bí mật đời tư, luật nghiêm cấm mọi hành vi tiết lộ mọi thông tin đã thu thập của công dân, chỉ khi cơ quan thẩm quyền yêu cầu cung cấp mới xem xét, có thể cho tiếp cận.

Một điểm đáng chú ý nữa của dự thảo luật, theo dự báo của ban soạn thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến tán thành về việc không hạn chế người làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình. Quy định này nhằm bảo đảm quyền được cấp chứng minh nhân dân để phục vụ cho những giao dịch của các đối tượng này.

Xác định các đề xuất của Bộ Công an về thẻ căn cước công dân liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích công dân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu xin ý kiến các thành viên Chính phủ về một số nội dung và đã thu về được 24 phiếu ý kiến. 20/24 thành viên Chính phủ cho phiếu thuận quy định chứng minh nhân dân là thẻ căn cước của công dân Việt Nam, là giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân cho người từ 15 tuổi trở lên.

Ý tưởng hay, nhưng…

Cùng chung nhận định đây là ý tưởng hay, khi cơ quan chức năng có một cơ sở dữ liệu đầy đủ sẽ giúp công dân không phải lưu nhiều giấy tờ cá nhân, thực hiện các giao dịch chỉ xuất trình một loại thẻ duy nhất. Song, không ít người đề nghị cần cân nhắc quy định lộ trình phù hợp. Theo bà Lương Hồng Lý - phường Thành Công, quận Ba Đình, thực tế hiện nay ngoài chứng minh nhân dân, còn có nhiều loại giấy tờ khác như hộ chiếu, giấy chứng minh sĩ quan quân đội và công an nhân dân, thẻ công chức, viên chức, thẻ học sinh... Nếu xác định thẻ căn cước công dân là giấy tờ duy nhất có thể dẫn đến các loại giấy tờ trên mất tác dụng, không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, công chức, viên chức... Một vấn đề cũng chưa nêu chi tiết trong dự thảo luật, đó là mã số định danh công dân. Mỗi công dân ngay từ khi chào đời nên có ngay số định danh cá nhân vì những thông tin như tên tuổi ngày tháng sinh là bất biến, vừa giúp giảm bớt một khâu là giấy khai sinh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đa số người dân rất ngại đến cơ quan công quyền làm thủ tục tách, nhập khẩu, đăng ký khai sinh, khai tử, vì tốn nhiều thời gian, thủ tục còn phiền hà. Nếu chuyển qua dùng thẻ căn cước công dân, cả cơ quan chức năng và người dân đều dễ cập nhật các thông tin cần thiết. Khi chuyển nơi ở, chỉ cần đăng ký với nơi quản lý của mình chuyển đến, hệ thống máy tính sẽ tự động xóa thông tin cư trú tại địa phương cũ và chuyển về địa phương mới. Khi mất thẻ, xin cấp lại cũng dễ dàng hơn. Trường hợp công an cần xác định danh tính của ai, chỉ cần nhập số thẻ vào hệ thống máy tính là lấy được toàn bộ thông tin. Như thế cũng sẽ đồng bộ hóa quản lý của các cơ quan nhà nước. Vì vậy cho dù chi phí để thay đổi ban đầu có thể khá cao do phải đầu tư hệ thống máy tính, bảo mật, đào tạo người sử dụng... nhưng xét về lâu dài, việc dùng thẻ căn cước công dân sẽ giảm nhiều chi phí không cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẻ căn cước - căn cứ bảo đảm quyền công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.