Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi ý thức của người kinh doanh

Xuân Lộc| 11/10/2018 06:35

(HNM) - Từ ngày 20-10 tới, nếu không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín sẽ bị phạt tiền, thay vì chỉ bị cảnh cáo, nhắc nhở.


Nền tảng cho sự thay đổi

Quy định phải đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với đồ uống, thức ăn nằm trong 10 tiêu chí bắt buộc về bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố. Theo quy định tại Điều 22, Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 14-11-2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, người bán hàng nếu dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Khảo sát tại các khu phố, quán hàng vỉa hè, các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, không khó bắt gặp hình ảnh người bán hàng không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền, rồi lại bốc thức ăn cho khách. Thế nhưng, hành vi này từ trước đến nay chỉ bị phạt cảnh cáo, nhắc nhở.

Sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín sẽ hạn chế tình trạng mất an toàn vệ sinh.


Từ ngày 20-10 tới, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 4-9-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 178. Đáng chú ý, Điều 16 của Nghị định 115 đã bỏ mức phạt cảnh cáo, tăng mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… Đây được xem như biện pháp mạnh, nhằm nâng cao ý thức chấp hành an toàn thực phẩm của người kinh doanh.

Chị Nguyễn Huyền Anh (32 tuổi ở Khu đô thị Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông) cho rằng, hình ảnh người bán hàng dùng đôi tay trần bốc thức ăn cho thực khách là chuyện thường ngày. Hành động tuy nhỏ nhưng lại gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bởi bàn tay người bán hàng khi không bảo đảm sạch sẽ, vệ sinh dễ khiến thực khách bị nhiễm vi khuẩn E.coli gây bệnh tiêu chảy. Vì vậy, việc tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, tăng mức xử phạt đối với hành vi trên là rất cần thiết, nhằm nâng cao ý thức của người bán hàng.

Theo anh Nguyễn Huy Hoàng, nhân viên Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, việc xử phạt hành vi không đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm ăn ngay không những mang tính giáo dục, răn đe, mà còn tạo cơ sở, nền tảng cho sự thay đổi trong ý thức người kinh doanh. Để quy định đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả, cơ quan chức năng cần kiểm tra cả việc sử dụng găng tay ra sao cho bảo đảm an toàn, vệ sinh, vì găng tay được tái sử dụng cũng không vệ sinh. Tốt nhất, khi bán thực phẩm đã chế biến dùng ăn trực tiếp, người bán nên sử dụng dụng cụ gắp, múc hoặc xúc bằng muỗng, thìa, đũa, kẹp, gắp… để bảo đảm vệ sinh.

Cần thực hiện nhiều giải pháp

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đến nay, tại các quận, huyện, thị xã đã có 99% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết với chính quyền địa phương về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều cơ sở chưa thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí bắt buộc về bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, trong đó có việc không tuân thủ đeo găng tay dùng một lần khi tiếp xúc với thức ăn ngay. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, kiểm tra và xử phạt vẫn chủ yếu là nhắc nhở, còn nặng về hình thức. Mặt khác, chính người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, lựa chọn quán hàng.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, trước khi áp dụng việc xử phạt nêu trên, để tạo sự đồng thuận, tại các buổi tập huấn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, chính quyền sở tại sẽ lồng ghép, hướng dẫn cho chủ cơ sở và những người trực tiếp tham gia vào quá trình chế biến, tiếp xúc với thực phẩm để họ hiểu rõ về quy định nêu trên. Khi kiểm tra, nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì xử phạt thật nặng. Mặt khác, để quy định trên thực sự mang lại hiệu quả, người tiêu dùng cùng phối hợp với cơ quan chức năng “tẩy chay” những cơ sở kinh doanh không bảo đảm an toàn.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để kiểm soát được việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm nói chung và quy định dùng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm ăn ngay nói riêng cần thực hiện nhiều giải pháp và sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, người dân.

Thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các đơn vị liên quan lồng ghép công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố với công tác bảo đảm an ninh xã hội và mỹ quan đô thị. Kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không bảo đảm an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi ý thức của người kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.