An toàn thực phẩm

Cẩn thận với thức ăn đông lạnh đóng gói

Phương Thu 21/11/2024 - 14:01

Các loại thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn có thể đáp ứng nhu cầu thay đổi khẩu vị hằng ngày của người tiêu dùng.

Trong cuộc sống hiện đại bận rộn, chúng có ưu thế hơn thức ăn tươi sống mà vẫn đảm bảo hương vị, chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, lựa chọn thức ăn đông lạnh đóng gói sẵn cũng cần cẩn thận, tránh nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

co-nen-cho-tre-an-do-dong-l.jpg

Sản phẩm hữu ích của thời đại công nghệ

Thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn là các loại thực phẩm được nhà sản xuất, chế biến đóng gói hút chân không và bảo quản ở nhiệt độ dưới 0°C. Nhờ quá trình bảo quản đông lạnh, thực phẩm được kéo dài thời hạn sử dụng hơn nhiều so với thực phẩm tươi sống bình thường. Nhờ phương pháp bảo quản này, các bà nội trợ có thêm nhiều lựa chọn bởi thực phẩm đông lạnh được bán phổ biến ở khắp các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng đông lạnh, đặc biệt là có thể thưởng thức thực phẩm quanh năm, bất kể mùa nào.

Thực phẩm đông lạnh hiện rất đa dạng, từ các món ăn đã chế biến sẵn đến nguyên liệu thực phẩm tươi sống được sơ chế làm đông lạnh. Đây chính là sự tiện lợi dành cho những gia đình hiện đại muốn thưởng thức một bữa ăn lành mạnh nhưng không có thời gian chuẩn bị mọi thứ từ đầu.

Bận rộn với guồng quay của cuộc sống từ công việc hằng ngày nơi công sở đến việc bếp núc, chăm sóc con cái rồi thời gian dành cho bản thân, nhiều chị em hiện không thể duy trì được việc đi chợ mua thức ăn tươi sống mỗi ngày. Vì vậy, họ lựa chọn các loại thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn với nhiều ưu điểm vượt trội. Loại thực phẩm này có thể dự trữ rất lâu trong tủ lạnh, độ tươi ngon và hương vị cũng không thua kém thức ăn tươi. Nhờ các công nghệ hiện đại, thực phẩm đông lạnh cũng giữ nguyên chất dinh dưỡng và màu sắc của thực phẩm. Quá trình bảo quản đông lạnh giúp nâng cao chất lượng và độ tươi ngon của đồ ăn mà không cần sử dụng nhiều chất bảo quản.

Ngoài ra, công nghệ đông lạnh làm giảm số lượng vi khuẩn và vi sinh vật gây hại, ngăn chặn sự phát triển của chúng và giảm nguy cơ nhiễm trùng thực phẩm. Quá trình này còn giúp duy trì chất lượng, hương vị và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Nhiệt độ cực thấp trong quá trình đông lạnh làm chậm sự phát triển của vi khuẩn và vi sinh vật, ngăn chặn sự oxy hóa và giảm tỉ lệ mất mát chất dinh dưỡng. Công nghệ đông lạnh cho phép vận chuyển và lưu trữ thực phẩm qua các khoảng cách xa mà không làm giảm chất lượng. Điều này mở ra cơ hội để người tiêu dùng có thể thưởng thức hương vị của các loại thực phẩm khác nhau từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời tăng cường sự đa dạng trong thực đơn của mỗi gia đình.

Chị Thu Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm kinh doanh nên thời gian rất bận rộn. Tối muộn chúng tôi mới về nhà để chuẩn bị bữa cơm tối trong khi thời điểm đó rất khó đi chợ mua đồ tươi sống. Do đó, tôi thường dành ra ngày cuối tuần để đi siêu thị hoặc các cửa hàng đông lạnh gần nhà để mua các thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn rồi tích trữ chúng trong tủ lạnh, đủ dùng trong một tuần, thậm chí một tháng. Khi chuẩn bị bữa cơm tối, tôi chỉ việc mang chúng ra rã đông; với các món ăn chế biến sẵn thì chỉ cần bỏ vào lò vi sóng. Thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn hiện nay cũng đa dạng, từ các loại đặc sản vùng miền cho đến thịt nhập khẩu như bò Úc, bò Kobe, cá basa của Nga, sườn lợn Mỹ... Nhiều loại thực phẩm đông lạnh được bán trên các chợ online và ship “hỏa tốc” cho người tiêu dùng, rất thuận tiện cho những gia đình bận rộn.

Lựa chọn sản phẩm rõ nhà sản xuất, phân phối

Nếu thường xuyên sử dụng thực phẩm đông lạnh, người nội trợ cần biết rằng chất lượng dinh dưỡng và độ tươi ngon của thực phẩm đông lạnh phụ thuộc vào chất lượng thực phẩm trước khi cấp đông. Vì vậy, nếu các loại thực phẩm tươi được nhà sản xuất sơ chế và đông lạnh đúng cách thì giữ được hàm lượng dinh dưỡng và hương vị của thực phẩm. Bởi vậy, cần chọn mua của các nhà sản xuất, chế biến, đơn vị nhập khẩu uy tín.

Thực tế, trên thị trường, ngoài các sản phẩm có thương hiệu đóng gói, ghi nhãn sản xuất, công bố chất lượng thì vẫn còn nhiều loại thực phẩm đông lạnh, nhất là các loại thịt đóng gói sơ sài, “nhập nhèm” về hạn sử dụng, lưu trữ quá lâu trong tủ đông. Chưa kể có không ít loại thực phẩm đã hư hỏng được các gian thương ngâm tẩm để “phù phép” đóng gói thành thực phẩm đông lạnh. Những loại thực phẩm này dù được bảo quản đông lạnh vẫn tiềm ẩn độc tố, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu sử dụng thực phẩm đông lạnh được lưu trữ quá lâu, không đúng cách hoặc mua phải các loại thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng thì nguy cơ mất an toàn rất cao.

Hằng năm, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và thu giữ hàng nghìn tấn thực phẩm “bẩn” đông lạnh đã có dấu hiệu hư hỏng nhưng vẫn được đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 9 đã phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Tây Hồ phát hiện, xử lý một xe tải chứa 161 túi nilon, trong đó có 1.610kg chân giò lợn được làm đông lạnh chuẩn bị tiêu thụ mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ. Toàn bộ số thực phẩm này đã bị lập biên bản và tịch thu để tiêu hủy.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nhấn mạnh: “Khi có nhu cầu sử dụng thực phẩm đông lạnh, người tiêu dùng cần hiểu cơ bản về việc lựa chọn để đảm bảo an toàn thực phẩm. Mọi người nên mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, quan sát kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm, bao bì phải có đầy đủ các nội dung về nhãn theo quy định như tên sản phẩm, thông tin nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, định lượng, thành phần hoặc thành phần định lượng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo”.

Đối với sản phẩm nhập khẩu thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt. Người tiêu dùng không lựa chọn, sử dụng thực phẩm khi có dấu hiệu bị phỏng lạnh, màu sắc thay đổi, chú ý kiểm tra kỹ hạn sử dụng và nhiệt độ bảo quản của từng loại sản phẩm. Người tiêu dùng nên mua ở những cửa hàng quen thuộc, những nơi có đầy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm vệ sinh an toàn, có trang thiết bị tủ đông bảo quản phù hợp với từng loại thực phẩm. Nếu mua ở những nơi không đáng tin cậy thì rất có thể sẽ rước mầm bệnh vào người.

Ngoài việc chọn mua thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn, việc bảo quản tại nhà cũng rất quan trọng. Trên lý thuyết, thực phẩm được sơ chế đúng cách và bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ -18°C sẽ an toàn gần như vô thời hạn nhưng điều đó không có nghĩa là thực phẩm vẫn giữ được chất dinh dưỡng, hương vị và độ tươi ngon. Việc đông lạnh để bảo quản thực phẩm cũng chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định nhằm bảo đảm chất lượng tối đa, quá thời hạn này, thực phẩm kể như “quá date”.

Cách rã đông thực phẩm đóng gói

Thực phẩm đóng gói được bảo quản đông lạnh, khi dùng sẽ phải thực hiện công đoạn rã đông. Tuy nhiên, chị em cần tránh rã đông sai cách, tránh khiến thực phẩm nhiễm khuẩn và mất chất dinh dưỡng.

Nhiều bà nội trợ rã đông thực phẩm bằng cách để thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn ra bên ngoài ở nhiệt độ phòng để rã đông. Tuy nhiên, đây là cách làm sai lầm vì khi ở nhiệt độ thường, thậm chí thời tiết lạnh mùa đông thì thực phẩm vẫn dễ bị vi khuẩn xâm nhập và hư hỏng.

Có nhiều cách rã đông thực phẩm an toàn như chuyển thực phẩm còn nguyên bao gói từ tủ đông sang ngăn mát tủ lạnh; ngâm thực phẩm trong nước lạnh và thay nước 30 phút một lần; rã đông bằng lò vi sóng...

Thời gian rã đông tùy theo trọng lượng của thực phẩm và tùy từng phương pháp rã đông. Nhưng, thực phẩm sau khi rã đông hoàn toàn cần phải nấu nướng chế biến ngay để đảm
bảo thực phẩm giữ được hương vị và không bị biến chất.

Một sai lầm khác mà nhiều người thường gặp phải là khi không dùng hết phần thực phẩm đã rã đông thường cho thực phẩm còn lại vào gói bao bì cũ và tiếp tục trữ đông lại. Cách làm này thật sự không an toàn vì thực phẩm sau khi rã đông sẽ dễ bị nhiễm vi khuẩn, nếu tiếp tục cho vào ngăn đông sẽ thúc đẩy vi khuẩn sinh sôi, chất lượng thực phẩm giảm và khi dùng dễ bị ngộ độc.

Thanh Phong

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận với thức ăn đông lạnh đóng gói

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.