(HNM) - Các giải thưởng "Cánh diều" đã được trao vào tối 15-3. Điều đáng nói là vài năm nay, không ít đơn vị sản xuất thay vì làm phim "bom tấn" đã chuyển sang kiếm tiền bằng cách sản xuất loại phim mang tên "thảm họa".
Chỉ tính riêng số đầu tác phẩm điện ảnh sản xuất trong năm 2013 thì quá nửa là những thứ không thể gọi là phim. Kịch bản sơ sài, hành động nhân vật mang tính ngẫu nhiên, thiếu lô gíc, không theo sự phát triển của tính cách dẫn đến nhân vật hành động tùy tiện hoặc khiên cưỡng. Nhiều phim không có ngôn ngữ điện ảnh, cảnh quay dễ dãi, bối cảnh chỉ dùng làm phông cho diễn viên thể hiện mà không ăn nhập với chủ đề. Thậm chí, có phim không phải là tác phẩm điện ảnh, mà chỉ là ghép nối các trò diễn được quay trong bối cảnh thật và những hình ảnh này chỉ minh họa cho lời thoại. Có lẽ vì thế mà giới truyền thông gọi những bộ phim kiểu này là phim "thảm họa".
Dù bị giới truyền thông phê phán nhưng nhà sản xuất vẫn làm, vì sao vậy? Thứ nhất là chiều theo thị hiếu của một bộ phận khán giả, chắc chắn họ sẽ có doanh thu. Thứ hai, họ biết Hội đồng duyệt phim quốc gia chỉ quan tâm đến "có kích động bạo lực không, có chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc không, có vi phạm thuần phong mỹ tục không..." mà ít để ý đến yếu tố nghề nghiệp. Và nếu có cũng không nỡ cấm không cho phát hành dù đó là phim "thảm họa" vì "doanh nghiệp đầu tư kinh phí khá lớn, cấm là giết chết họ, họ chết thì điện ảnh càng lay lắt". Thế nên, phim "thảm họa" vẫn cứ góp mặt trên thị trường.
Chẳng riêng các nhà sản xuất phim ở Việt Nam, doanh thu cao luôn là cái đích mà hầu hết các nhà sản xuất phim trên thế giới mong muốn hướng tới. Và cách họ có doanh thu là phim thương mại phải được làm một cách nghệ thuật, điều đó sẽ thu hút nhiều tầng lớp khán giả, đồng thời bắt buộc đạo diễn, quay phim, diễn viên… phải liên tục sáng tạo và đổi mới. Điện ảnh Hàn Quốc và Trung Quốc đang đi theo cách này và họ đã thành công.
Phim "thảm họa" có thể mang lại lợi ích cho một nhóm người, song nó thực sự lại là "thảm họa" cho nền điện ảnh Việt Nam; không giúp ích cho phát triển nghề nghiệp, cũng không góp phần nâng cao thẩm mỹ cho công chúng. Cho nên, muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ tư duy của cơ quan quản lý. Và việc cần làm ngay là chấm dứt tình trạng kiếm tiền bằng phim "thảm họa".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.