Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi từ nhận thức

Chí Kiên| 23/10/2017 07:07

(HNM) - Dạy thêm và học thêm, từ lâu đã là chủ đề


Trước hết có thể khẳng định, bản chất hoạt động dạy thêm, học thêm là tốt. Một mặt nó giúp học sinh yếu kém theo kịp chương trình, mặt khác giúp những em học giỏi đạt trình độ cao hơn. Nhìn rộng ra, học thêm còn có thể phát hiện, đóng góp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học... Ở góc độ nào đó, một số phụ huynh cho con học thêm còn có mục đích nhờ giáo viên dạy dỗ, quản lý, giúp con tránh xa hoạt động thiếu lành mạnh ngoài xã hội… Bản thân người giáo viên dạy thêm với động cơ nghiêm túc sẽ bồi dưỡng được kiến thức thực thụ cho học sinh và tăng thêm thu nhập chính đáng cho bản thân.

Nhưng, dạy thêm, học thêm trên thực tế không chỉ có vậy!

“Cho con học thêm hay không; học môn nào, học như thế nào…” là những băn khoăn của không ít bậc phụ huynh hiện nay khi có nhiều quan điểm khác nhau. Người thì lo học thêm con sẽ vất vả, không còn thời gian vui chơi; người lại lo không học thêm con sẽ không theo kịp các bạn, không bảo đảm kiến thức cho những kỳ thi… Lợi dụng tâm lý này, không ít giáo viên, nhà trường đã viện ra muôn vàn lý do để “hợp thức hóa”, từ đó hoạt động dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, sai quy định, hoặc “lách luật” như dạy học sinh tại nhà, “mượn” phòng học tại các trung tâm… nhằm tránh sự soi mói của dư luận; hay yêu cầu phụ huynh viết đơn đăng ký tự nguyện…

Vì thế mới xảy ra một mâu thuẫn đến mức hài hước, trong khi giáo viên, nhà trường ra rả cho rằng học thêm là nhu cầu có thực thì không ít phụ huynh lại khổ sở vì “tự nguyện” trong tâm thế bị bắt buộc. Thực tế đã có những chuyện “cười ra nước mắt” và đáng trách khi nói về hoạt động này, như: để ép buộc học sinh đi học thêm, giáo viên âm thầm cắt xén chương trình dạy chính khóa; phân biệt đối xử với học sinh không đi học thêm một cách thiếu nhân văn… Hệ lụy là học sinh quá tải, phụ huynh bức xúc; uy tín ngành Giáo dục và nhà giáo bị ảnh hưởng.

Để đưa hoạt động dạy thêm, học thêm về đúng bản chất, đúng quy định pháp luật, trước tiên phải thay đổi triệt để nhận thức, trong đó, ngành Giáo dục cần thống nhất quan điểm khuyến khích mặt tích cực, kiên quyết xử lý, loại trừ những tiêu cực lâu nay đã ảnh hưởng đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương, các nhà trường trong quản lý dạy thêm, học thêm…

Với các bậc phụ huynh, cần có cái nhìn thực tế về học lực của con em, không tạo áp lực và chạy đua thành tích một cách mù quáng, thiếu khoa học. Khi quyết định học thêm, cả phụ huynh và học sinh cần xác định đúng động cơ, mục đích và thẳng thắn từ chối, công khai lên án những hành vi tiêu cực.

Trước thực tế, lương của giáo viên còn nhiều bất cập, việc dạy thêm rõ ràng đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, theo lộ trình, chính sách tiền lương cũng phải được điều chỉnh kịp thời, nhằm khắc phục dần những bất hợp lý về thu nhập cho giáo viên.

Về lâu dài, chúng ta phải tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục để mỗi giáo viên, học sinh sẽ giảm bớt gánh nặng sách vở, giáo án; chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn để phát triển năng lực người học và dạy làm người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi từ nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.