(HNM) - Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là chủ trương vừa có lợi cho chính hộ kinh doanh, vừa có lợi cho nền kinh tế. Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng Hà Nội vẫn nỗ lực thực hiện mục tiêu khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, phấn đấu trong năm 2020 thành lập 30.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây là mục tiêu không dễ thực hiện. Dù đã có nhiều ưu đãi hấp dẫn, nhưng tiến độ chuyển đổi của 300.000 hộ kinh doanh hiện có ở Hà Nội vẫn rất hạn chế. Dẫn chứng là trong năm 2019, thành phố chỉ có 48 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Nguyên nhân của thực trạng này đã được chỉ rõ, nhưng sâu xa nhất có lẽ nằm ở vấn đề tư duy của hộ kinh doanh chưa thay đổi. Với quy mô siêu nhỏ, hoạt động theo phương thức giản đơn, hộ kinh doanh chưa sẵn sàng với phương thức hoạt động mới vì lo lắng đối mặt với việc gia tăng chi phí khi phải đáp ứng yêu cầu về bảo hiểm cho người lao động, thuế và cả những cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng...
Với chủ trương khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, Nhà nước đã dành cho loại hình này những ưu đãi nhất định. Đó là giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp; miễn, giảm thuế thu nhập; miễn, giảm tiền sử dụng đất... Với riêng Hà Nội, bên cạnh ưu đãi chung, thành phố có cơ chế ưu đãi dành cho các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, như tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; hỗ trợ kinh phí làm dấu pháp nhân; tư vấn miễn phí trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp...
Với số lượng lớn, nếu được chuyển đổi, các hộ kinh doanh sẽ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Song, do hộ kinh doanh có quyền tự lựa chọn hình thức hoạt động nên nếu tư duy của các hộ chưa thay đổi thì việc chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục “giậm chân tại chỗ”. Thực tế này đòi hỏi phải thay đổi tư duy của các hộ kinh doanh.
Muốn vậy, công tác tuyên truyền, vận động cần được đẩy mạnh hơn nữa có nội dung cụ thể, phù hợp với từng hộ kinh doanh. Trong đó, tập trung giúp các hộ hiểu được ý nghĩa của việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp; những lợi ích thiết thực khi thành lập doanh nghiệp, như khả năng tiếp cận nguồn vốn, quyền thế chấp tài sản; tính minh bạch, tư cách pháp nhân trong giao dịch...
Và quan trọng hơn nữa, khi chuyển đổi sang doanh nghiệp, các hộ kinh doanh mới có thể gia nhập chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần chủ động đối thoại với các hộ kinh doanh, đồng thời thúc đẩy hoạt động tư vấn, đào tạo kiến thức khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp để hộ kinh doanh thấy đây là những việc nằm trong tầm tay... Qua đó, các hộ thấy được lợi ích dài lâu, thay vì chỉ là những ưu đãi ban đầu, trong ngắn hạn.
Song song đó, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thành lập doanh nghiệp... cần được thực hiện triệt để. Công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cấp, các ngành phải đúng quy định, không gây phiền hà, sách nhiễu.
Nếu các hộ kinh doanh hiểu được lợi ích tự thân, đồng thời nhận được hỗ trợ từ cơ quan quản lý, chắc chắn họ sẽ có niềm tin và thay đổi tư duy. Chỉ khi đó, số hộ kinh doanh tự nguyện, chủ động chuyển đổi thành doanh nghiệp mới gia tăng một cách bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.