(HNM) - Phát biểu tại hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Hà Nội đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước...
“Khởi nghiệp” chính là sự khởi dựng, từ ước mơ đến hiện thực hóa ý tưởng, mà bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn thành công. Ngày nay, “khởi nghiệp” còn được hiểu như một sự “suy nghĩ khác biệt”, một “ý tưởng đủ lớn” để bứt phá. Đó là sáng tạo các giá trị mới và hun đúc tinh thần kinh doanh, tạo nên nền tảng tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Ở điểm nhìn khác, khởi nghiệp là một trong những chỉ số về bảo đảm sự thịnh vượng của một đất nước - điều đã được chứng minh ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Israel…
Tại Việt Nam, khởi nghiệp không phải là khái niệm mới, nhưng có thể xem như ở giai đoạn bắt đầu. Vai trò của đội ngũ doanh nhân đã được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển mới của đất nước. Và đất nước cũng đòi hỏi ở đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trách nhiệm mới, tư duy mới bên cạnh hiệu quả thực tế trong sản xuất kinh doanh. Vậy, giới trẻ, cụ thể hơn là lực lượng thanh niên phải làm gì để lập thân, lập nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện mới?
Thực tế phong trào thanh niên khởi nghiệp đã hình thành từ nhiều năm trước, nhưng để tinh thần “Tuổi trẻ sáng tạo - Quyết chí lập nghiệp” có thể lan tỏa trong giới trẻ Việt Nam thì rõ ràng còn nhiều việc phải làm. Vấn đề là làm thế nào để có các hoạt động thiết thực, hữu ích giúp thế hệ trẻ phát huy năng lực sáng tạo, năng lực quản lý, kinh doanh của mình? Làm thế nào để mỗi ý tưởng khi được đưa vào áp dụng thực tế sẽ mang lại hiệu quả và có tính khuyến khích với các nhân tố khác?
Mới đây, tại Ngày hội thanh niên Thủ đô khởi nghiệp lần thứ I (năm 2016), nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: “Để khởi nghiệp thành công, nhất thiết, giới trẻ phải nhớ 8 chữ T: “Tức khí, Tò mò, Thử nghiệm, Tìm kiếm, Chữ tín, Thất bại, Thử lại, Thành công”. Có thể nói, đây là những yếu tố cơ bản, cần thiết để giới trẻ vững bước trên con đường khởi nghiệp.
Bên cạnh việc xác định năng lực bản thân, sự mạo hiểm, thách thức, còn cả việc chấp nhận thất bại và trên hết chính là tinh thần sáng tạo.
Dĩ nhiên, giới trẻ cần sự hỗ trợ để khuyến khích tinh thần sáng tạo. Và sự hỗ trợ ấy không chỉ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật mà còn về định hướng lập nghiệp.
Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một thành phố năng động, thu hút giới trẻ trong lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội Thủ đô ngày càng phát triển. Muốn vậy, chính quyền thành phố cần tạo ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Nói cách khác là thắp lên ngọn lửa sáng tạo trong giới trẻ nói riêng và người dân Hà Nội nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.