Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảo luận tại đoàn dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI

TTXVN| 12/01/2011 19:50

Chiều 12/1, Đại hội làm việc tại đoàn, cho ý kiến vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Dự thảo gồm Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020...


Dự thảo gồm Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020; Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng; Báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

Các đại biểu đã thảo luận về đánh giá tổng quát quá trình cách mạng Việt Nam; mục tiêu và những phương hướng cơ bản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; định hướng về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, quốc phòng, an ninh…; đánh giá những thành tựu và hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua thực tiễn Chiến lược 2001-2010 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; các giải pháp phát triển, đổi mới giáo dục đào tạo; phương hướng xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nâng cao chất lượng đảng viên, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp và công tác cán bộ, công tác phát triển đảng viên.

Góp ý kiến vào nội dung quốc phòng-an ninh, các đại biểu khẳng định tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt.

Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân khu Thủ đô nhấn mạnh, quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh bảo vệ tổ quốc đã được nêu đầy đủ trong Báo cáo trình Đại hội. Trong đó đã thể hiện đầy đủ các nội dung với mục tiêu, nhiệm vụ, xác định tăng cường quốc phòng, bảo vệ an ninh là nhiệm vụ trọng yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh vững chắc.

Đại biểu Phí Quốc Tuấn đề nghị trong quan điểm xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại…, cần bổ sung ý “một số lực lượng sớm hiện đại”. Cùng với tăng cường công tác giáo dục quốc phòng an ninh cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực cao cho lực lượng vũ trang.

Về phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển, các đại biểu cho rằng phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính ưu việt của chế độ ta.

Các đại biểu khẳng định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần có chính sách cụ thể, tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ, tạo nguồn nhân lực mới; có chính sách thu hút nhân tài, song song với đào tạo nguồn nhân lực mới. Cũng về vấn đề giáo dục, đại biểu Hà Văn Hùng, Bí thư tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đánh giá kết quả, sản phẩm của giáo dục nước ta đạt kết quả không cao.

Đây là vấn đề cấp bách, Đảng cần thực sự đổi mới phương thức giáo dục của Đảng về công tác chính trị, giáo dục truyền thống; công tác xây dựng nguồn nhân lực còn yếu, không theo kịp sự phát triển của đất nước. Đại biểu cũng cho rằng, công tác dạy nghề cần được phân tích sâu, để có cách thức hiệu quả vì hiện nay nhiều người học nghề xong nhưng vẫn không có việc làm.

Các đại biểu Bùi Đức Hạnh, Bí thư huyện ủy Can Lộc (Hà Tĩnh) và Hà Văn Hùng, Bí thư tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đề nghị cần quan tâm tới việc bảo đảm phát triển hài hoà các vùng, miền trong đó cần coi trọng tới phát triển kinh tế biển trong Cương lĩnh chính trị.

Đại biểu Bùi Đức Hạnh đề nghị về lâu dài, nền kinh tế Việt Nam cần quan tâm tới chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, coi trọng chuyển dịch cơ cấu đầu tư cho phù hợp; tiếp tục đưa nhận thức quan điểm lớn của Đảng: con người, trung tâm của chiến lược phát triển vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển.

Đại biểu Hà Văn Hùng đánh giá công tác quy hoạch tổng thể nền kinh tế của đất nước làm chưa tốt, kinh tế nhà nước còn nhiều yếu kém không chỉ trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước mà trong đó có vấn đề về quản lý tài chính ngân hàng, về tín dụng tài nguyên, các tập đoàn kinh tế.

Về công tác xây dựng Đảng, đại biểu Hà Văn Hùng nêu hiện trạng một số lĩnh vực không hình thành được các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân; đề cập tới vấn đề xây dựng Đảng trong nông thôn. Đại biểu đề xuất cần xây dựng để chi bộ thực sự là nòng cốt, tạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

Sáng 13/1, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại đoàn./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận tại đoàn dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.