Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ ngay những bất cập

Long Biên| 11/03/2016 06:13

(HNM) - Những năm qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Hà Nội vẫn đầu tư mạnh cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM). Điều đó được thể hiện bằng kết quả giai đoạn 2011-2015, mỗi năm thành phố đã huy động bình quân gần 5.800 tỷ đồng cho xây dựng NTM và đây là nguồn lực chủ yếu dẫn tới bộ mặt các làng quê ngoại thành có nhiều khởi sắc.

Đến cuối năm 2015, Hà Nội đã có 201/386 xã đạt chuẩn NTM; huyện Đan Phượng được công nhận là huyện NTM, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức… cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện NTM. Quan trọng hơn, chương trình NTM đã góp phần quyết định vào khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương cũng như sức sáng tạo trong phát triển kinh tế của người dân.

Từ thành công của Chương trình "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015" (Chương trình 02), giai đoạn 2016-2020 Thành ủy Hà Nội tiếp tục xây dựng một chương trình công tác mới trong lĩnh vực này (cũng có số hiệu là Chương trình 02) và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với những mục tiêu không dễ gì đạt được nếu không có quyết tâm cao.

Đến nay, mặc dù Hà Nội là địa phương có số xã hoàn thành xây dựng NTM đứng đầu cả nước nhưng ở hầu khắp các nơi, nhiều dự án chuyển đổi sản xuất được đặt ra vẫn "giậm chân tại chỗ" khiến cơ sở lúng túng, khó duy trì, nâng cao mức sống bền vững cho nhân dân. Những vấn đề xử lý môi trường, tiếp cận nguồn vốn giá trị lớn, hỗ trợ phát triển sản xuất lớn… vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải. Điều đó đồng nghĩa với câu chuyện an sinh xã hội sau lũy tre làng còn tiềm ẩn không ít mối lo.

Ở tầm vĩ mô, để người nông dân có thể sống khỏe trên mảnh đất bao đời cha ông để lại, họ rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong các vấn đề: Sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi, từ con giống - hỗ trợ đưa tiến bộ kỹ thuật canh tác mới - tiêu thụ thành phẩm. Ngoài ra, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm; công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng còn nhiều hạn chế. Việc đào tạo nghề cho nông dân chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng tiếp cận với nông nghiệp công nghệ cao với đại bộ phận nông dân là bất khả thi nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp… Đặc biệt, nguồn vốn cho xây dựng NTM rất eo hẹp bởi việc đấu giá đất gần như "đóng băng" dẫn tới nguồn lực đầu tư chủ yếu gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số tiêu chí còn chưa phù hợp với thực tế cần sớm được nghiên cứu điều chỉnh trong thời gian sớm nhất có thể.

Phải khẳng định, xây dựng NTM là cuộc cách mạng thời bình để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được bảo đảm; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Cuộc cách mạng ấy đã mang lại nhiều đổi thay tốt đẹp cho những vùng quê Thủ đô. Nhưng để duy trì và phát triển hơn, rất cần tháo gỡ ngay những bất cập mà thực tế đang đặt ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ ngay những bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.