(HNM) - Sau nhiều năm mạnh dạn đầu tư cho các môn thể thao Olympic, cuối cùng thể thao Việt Nam đã gặt hái thành quả ở SEA Games 28 với việc có tới 64/73 tấm HCV của đoàn đến từ các môn này.
Đi ít, về nhiều
Đấy là chuyện về tỷ lệ số VĐV với số HCV đạt được của đoàn Việt Nam. Từ sau SEA Games năm 2003, đây là kỳ SEA Games mà Đoàn thể thao Việt Nam cử ít VĐV tham dự nhất với 392 VĐV dự tranh ở 28/36 môn thi đấu. Lý do kinh phí là một phần nhưng quan trọng hơn là định hướng khi tham dự SEA Games đã được làm rõ là chỉ những môn, VĐV có khả năng đoạt huy chương thì mới tham dự. Còn lại 4 môn dự SEA Games 28 theo diện xã hội hóa gồm bóng rổ, golf, bơi nghệ thuật, bowling (gồm 42 VĐV).
Điền kinh Việt Nam tại SEA Games 28 lập được nhiều kỷ lục nhất từ trước tới nay. |
Cũng vì cử ít VĐV, tham dự ít môn hơn nên lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam không đặt ra chỉ tiêu cụ thể về thứ hạng và đặt mục tiêu giành 65 HCV. Vì thế, việc đạt mục tiêu kép (giành 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ, đứng thứ ba toàn đoàn) là thành công lớn với thể thao Việt Nam trong kỳ SEA Games này. Hàng loạt môn mũi nhọn đều đạt số HCV đầy thuyết phục như: Điền kinh (11 HCV), bơi (10 HCV), thể dục dụng cụ (9 HCV), đấu kiếm, rowing (8 HCV), taekwondo (5 HCV), bắn súng (4 HCV)… Tỷ lệ 73 HCV/392 VĐV cũng gây ấn tượng nếu so với ít nhất 2 kỳ SEA Games gần đây. Tại SEA Games năm 2013, Đoàn Việt Nam dự tranh với 511 VĐV, đoạt 74 HCV. Còn ở SEA Games năm 2011, Đoàn Việt Nam có 608 VĐV, đoạt 96 HCV.
Trong 73 HCV tại SEA Games 28 này, có tới 64 HCV thuộc nhóm môn Olympic, đạt tỷ lệ trên 85%, cao nhất từ trước đến nay. Chủ nhân của nhiều tấm HCV cũng tạo lập hàng loạt kỷ lục SEA Games cũng như đạt điểm số cao. Trên đường đua xanh, các kình ngư Việt Nam phá tới 10 kỷ lục SEA Games; trong đó Nguyễn Thị Ánh Viên phá tới 8 kỷ lục SEA Games ở 7 nội dung thi (tấm HCV ở nội dung 200m ếch không phá kỷ lục SEA Games), Hoàng Quý Phước (200m tự do) và Lâm Quang Nhật (1.500m) cũng phá một kỷ lục SEA Games. Ở môn điền kinh, Nguyễn Thị Huyền phá kỷ lục 400m rào nữ đã tồn tại 20 năm, đội tiếp sức nữ 4x400m phá kỷ lục đã tồn tại 24 năm, Nguyễn Văn Lai phá kỷ lục 5.000m nam tồn tại 22 năm. Nguyễn Thị Huyền cũng khiến nhiều người ngạc nhiên, khi có tới 2 lần đạt chuẩn B dự Olympic 2016 ở nội dung cá nhân 400m rào và 400m. Ngay ở môn thể dục dụng cụ, việc Đinh Phương Thành giành 15,833 điểm ở bài thi xà kép cũng là mức điểm hiếm gặp tại một kỳ SEA Games, tạo nên một cột mốc mới về điểm số bài thi đơn môn dành cho nam. Còn thành tích 582 điểm ở vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi của Hoàng Xuân Vinh cũng trong nhóm đầu thế giới… Với một kỳ SEA Games lập được nhiều kỷ lục nhất từ trước đến nay ở môn điền kinh và bơi, thể thao Việt Nam có quyền tự hào không chỉ về số lượng huy chương mà còn cả chất lượng huy chương. Điều này khiến thể thao Việt Nam tự tin hơn vào định hướng đầu tư của mình, nhằm xác lập vị thế vững chắc tại ASIAD hay Olympic.
Dù vậy, nhiều kỷ lục SEA Games lần này của các VĐV Việt Nam vẫn còn thua kỷ lục ASIAD hay thành tích đoạt HCV ASIAD 2014. Trong số này, chỉ có kỷ lục 400m hỗn hợp nữ hay 800m tự do của Nguyễn Thị Ánh Viên, 400m rào của Nguyễn Thị Huyền hay thành tích của Hoàng Xuân Vinh, Đinh Phương Thành có thể đoạt HCB ASIAD. Vì thế, con đường đến đỉnh ASIAD hay bục nhận huy chương ở Olympic của thể thao Việt Nam vẫn còn dài. Nhưng rõ ràng, những kỷ lục trên đã giúp thể thao Việt Nam nhìn thấy tương lai tốt đẹp hơn ở ASIAD hay Olympic.
Bài toán khó từ những môn, nội dung tập thể
Dù đoạt nhiều HCV nhưng số HCV đến từ những môn, nội dung tập thể của Đoàn thể thao Việt Nam không nhiều. Trong cả SEA Games 28, ngoại trừ nội dung thuyền 4 nữ môn rowing, các môn và nội dung tập thể khác đều không thể giành ngôi vô địch. Bóng đá nam vẫn vậy. Tấm HCĐ với U23 Việt Nam đã phản ánh đúng chất lượng màn trình diễn trong suốt SEA Games của đội. Còn bóng chuyền nam, nữ cũng không thể vượt qua thách thức mang tên Thái Lan. Đáng chú ý, đây là những trận thua được dự đoán nên không mấy ai sốc. Trong khi đó, bóng rổ cũng chỉ đạt thành tích khiêm tốn, không vào nhóm đoạt huy chương.
Trong thể thao thành tích cao, đầu tư cho môn cá nhân bao giờ cũng đơn giản và ít tốn kém hơn môn tập thể. Nhưng trong làng thể thao Việt Nam, nhiều môn tập thể lại có sức hút mạnh mẽ, gây ảnh hưởng đến dư luận và người hâm mộ. Vì vậy, cả cơ quan quản lý, Liên đoàn Thể thao và các CLB chủ quản những môn tập thể như bóng đá, bóng chuyền vẫn phải kiên định đầu tư để thực hiện bằng được "giấc mơ vàng". Giải được bài toán này chưa bao giờ dễ với thể thao Việt Nam.
Đầu tư trọng điểm 48-50 VĐV ở 5 môn Olympic Sau thành công của các VĐV điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ tại SEA Games 28, lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam cho hay đang tập trung đầu tư cho khoảng 48-50 VĐV ở 5 môn có thể giúp thể thao Việt Nam giành huy chương vàng ASIAD, huy chương Olympic gồm cử tạ, điền kinh, bơi, bắn súng, thể dục dụng cụ. Đây sẽ là các VĐV mũi nhọn của thể thao Việt Nam tại các đấu trường Olympic và ASIAD. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.