(HNMO) - Khoảng 3.000 doanh nhân kiều bào về đầu tư trong nhiều năm qua đã đem lại diện mạo mới trong thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh. Là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, kiều bào luôn thấu hiểu và trăn trở làm sao để cống hiến nhiều nhất cho sự phát triển của thành phố. Lãnh đạo thành phố luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến, hiến kế của kiều bào.
Trăn trở và cống hiến
Là một người Việt Nam có tròn 40 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, GS.TS Đặng Lương Mô, khi bước sang tuổi 66 vào năm 2002, đã về Việt Nam và chọn thành phố Hồ Chí Minh để làm việc.
Sau nhiều năm cống hiến, GS.TS Đặng Lương Mô đã góp công rất lớn khi cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đưa tên Việt Nam lên bản đồ vi mạch thế giới; đào tạo hơn 2.000 nhân lực thiết kế vi mạch, cung cấp cho cộng đồng thiết kế vi mạch trong nước và cả nước ngoài.
Còn ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore) rất tâm huyết với việc giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư của người dân Việt Nam. Mới đây ông Danny Võ Thành Đăng cùng các cộng sự ở Singapore và Malaysia thành lập một doanh nghiệp xã hội liên quan đến lĩnh vực cung cấp, hỗ trợ dịch vụ khám - chữa bệnh. Dịch vụ này giúp nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế (JCI), đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư định kỳ.
Mỗi năm, thành phố Hồ Chí Minh đón khoảng 30.000 Việt kiều về thăm quê, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hiện thành phố có khoảng 3.000 doanh nhân kiều bào đầu tư, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như công nghệ cao, giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ… Chỉ riêng trong năm 2019, có 34 doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài thành lập mới, với tổng số vốn hơn 122 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn.
Để thành phố thật sự đáng sống
Góp ý về mục tiêu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (kiều bào Canada) cho rằng, trong quy hoạch đô thị, yếu tố đặt lên hàng đầu là chất lượng sống của người dân. Để làm được điều này, ý kiến của người dân có vai trò rất lớn và mang tính quyết định trong việc đề ra các mục tiêu, đề án, chiến lược.
Nhiều kiều bào cũng hiến kế về vấn đề chỉnh trang diện mạo đô thị để thành phố Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại hơn. GS.TS Đặng Lương Mô cho biết, nhiều thành phố ở Nhật Bản “đất chật người đông” nên chính quyền ở đây từ lâu đã chú ý đến việc quy hoạch những khu phố cao tầng. “Nếu làm tốt công tác quy hoạch, nhà cao tầng sẽ giúp tiết kiệm được quỹ đất. Quỹ đất tiết kiệm này có thể xây công viên, đường giao thông”, GS.TS Đặng Lương Mô nhận định.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã và đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu các phương án giao thông trong quy hoạch đô thị. Thành phố sẽ quy hoạch nhà cao tầng ở các khu vực ngoại thành.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã tổ chức các buổi tiếp xúc, gặp gỡ nhà đầu tư là kiều bào để lắng nghe các nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn và sẽ tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Thành phố có gần 10 triệu dân nhưng có đến 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài luôn hướng về thành phố là điều rất đáng trân trọng và là nguồn lực rất lớn. Thành phố luôn lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến, đồng thời mong muốn bà con kiều bào tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.