Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý đô thị bằng camera thông minh

Gia Bảo| 09/09/2019 07:46

(HNM) - Theo đề án “Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của thành phố giai đoạn 2019-2025”, thành phố Hồ Chí Minh sẽ lắp đặt 10.000 camera thông minh tại nhiều khu vực trong thành phố. Hệ thống camera này sẽ nâng cấp đáng kể hệ thống quan sát hình ảnh hiện có để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành tập trung trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của thành phố.

Hệ thống camera hiện còn rời rạc

Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, hiện hệ thống quan sát bằng hình ảnh (camera) trên địa bàn thành phố từ nhiều nguồn đầu tư và mục đích sử dụng khác nhau, gồm camera an ninh, camera giao thông và camera dân sinh ở các quận, huyện. Mỗi hệ thống camera đang do các sở, ngành khác nhau quản lý, khai thác mà chưa có sự liên kết chung.

Trung tâm Tích hợp camera giao thông của thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, camera giám sát an ninh trật tự của Công an thành phố được lắp đặt chủ yếu tại khu vực nội thành và một số khu vực trọng điểm, hoạt động riêng theo cơ chế bảo mật của ngành Công an, phục vụ công tác giám sát an ninh trật tự, chính trị trên địa bàn. Bên cạnh đó, có hơn 700 camera phục vụ giám sát, quản lý giao thông được kết nối tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở Giao thông - Vận tải). Đồng thời, Sở Giao thông - Vận tải cũng đang quản lý 100 camera phục vụ đo đếm lưu lượng, vận tốc lưu thông phương tiện trên địa bàn. Hệ thống camera này chỉ phù hợp cho mục đích giám sát toàn cảnh và phân tích tình hình giao thông, mật độ người và vật thể, không có ứng dụng phân tích gương mặt hay theo dõi đối tượng cụ thể.

Ngoài ra, toàn thành phố hiện có hơn 37.000 camera giám sát thuộc sự quản lý của UBND và công an cấp huyện, cấp xã. Các hệ thống này được giám sát, quản lý, vận hành bởi lực lượng công an phường, xã, thị trấn, giúp tăng cường quản lý trật tự đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội… Tuy nhiên, việc triển khai kết nối tập trung đối với hệ thống này mới chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu quan sát hình ảnh. Việc đầu tư xây dựng còn rời rạc, chưa có một mô hình cụ thể.

Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố chưa có quy hoạch tổng thể về việc lắp đặt và trang bị hệ thống camera giám sát, bảo đảm độ phủ và tầm quan sát của các camera, cũng như việc ứng dụng các công nghệ phân tích nâng cao và chia sẻ dùng chung dữ liệu của các hệ thống giám sát. Điều đáng nói, trong hệ thống này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và an ninh thông tin, có thể xảy ra tình huống sử dụng hình ảnh camera không đúng mục đích, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Giám sát, quản lý đồng bộ và tập trung

Thực tế, thời gian qua, trong quá trình thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh, một số quận, huyện cũng triển khai việc kết nối hệ thống camera hiện có trong từng khu dân cư, các tuyến đường và đạt một số hiệu quả nhất định. Điển hình, tại quận 1, đã tích hợp hơn 500 camera trên địa bàn. Trung tâm Giám sát an ninh công cộng quận còn kết nối với các thiết bị camera di động đặt trên các xe tuần tra, tích hợp với hệ thống đầu dò cảm biến phát hiện cháy nổ. Hay tại Trung tâm Giám sát an ninh công cộng quận 5, đã tích hợp hơn 500 camera lắp đặt tại 15 phường. Tín hiệu hình ảnh camera được truyền trực tiếp về bộ phận trực ban tại trụ sở công an phường và kết nối về Trung tâm Giám sát hình ảnh tập trung tại công an quận.    

Phát huy hiệu quả các mô hình tích hợp camera giám sát tại quận 1 và quận 5, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho hay, thành phố sẽ xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung giai đoạn 2019-2025. Cụ thể, giai đoạn 1 (2019-2021), triển khai xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung, lựa chọn khoảng 300 camera hiện có và bổ sung 200 camera tại các vị trí trọng điểm. Các camera bảo đảm khả năng điều khiển tập trung từ Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Giám sát thường trực thành phố, kết nối trực tiếp vào hệ thống giám sát hình ảnh chung. Đồng thời, thành phố sẽ triển khai tích hợp khoảng 1.000 camera giám sát giao thông, an ninh trật tự của Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố và các quận, huyện. 

Giai đoạn 2 (2021-2025), mở rộng số lượng camera tại các khu vực trọng điểm để kết nối trực tiếp đến hệ thống giám sát hình ảnh camera, dự kiến từ 1.000 đến 3.000 camera; tiến tới mở rộng số lượng camera được tích hợp dữ liệu tại hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung lên 10.000 chiếc vào năm 2025. Hệ thống camera này với các phần mềm phân tích hình ảnh, cảnh báo... sẽ hỗ trợ nâng cao công tác chỉ huy, điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tổng kinh phí triển khai hệ thống camera này là hơn 1.600 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố. 

Theo đánh giá của Công an thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống camera thông minh này sẽ có khả năng phát hiện khói, bụi và cháy nổ, tai nạn, tích hợp cùng dữ liệu GIS (hệ thống bản đồ số) và các hệ thống cảm biến khác, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn, cho phép quan sát tức thời và nhận định, phân tích tình hình tại các địa điểm xảy ra sự cố.

Chỉ đạo thực hiện đề án 10.000 camera phục vụ quản lý đô thị thông minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: "Các camera cần nhận diện được mặt người để bảo đảm an toàn cho thành phố. Ngoài ra, ứng dụng khi được xây dựng phải được phân quyền để tùy cấp bậc có thể truy cập được vào mức dữ liệu nào. Đối với các tin báo của người dân, thành phố chia làm hai cấp độ khẩn cấp và không khẩn cấp. Đối với tình huống được xác định khẩn cấp thì thông tin sẽ được kết nối ngay đến lãnh đạo thành phố. Từ ứng dụng được xây dựng, lãnh đạo thành phố ngồi đâu cũng truy cập camera và nắm bắt các thông tin phản ánh".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý đô thị bằng camera thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.